Thúc đẩy sản xuất vụ Đông để đảm bảo nhu cầu thực phẩm cuối năm

Tại hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông 2020 và triển khai kế hoạch vụ Đông 2021 các tỉnh phía Bắc” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 8/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, diện tích sản xuất vụ Đông các tỉnh phía Bắc trong những năm gần đây không tăng mà có xu hướng ổn định, nhưng giá trị sản xuất của vụ này vẫn tăng đều.

Chú thích ảnh
Người dân xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) tập trung sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh (tư liệu): Trung Kiên/TTXVN

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong bối cảnh dịch COVID-19, địa phương cần tiếp tục thúc đẩy sản xuất để giữ vững an ninh lương thực, nhất là đáp ứng tốt nhu cầu lương thực thời điểm cuối năm; đồng thời, tạo việc làm cho lao động nông nhàn do dịch và thu nhập cho nông dân. Trong bối cảnh như vậy, sản xuất vụ Đông không chỉ đảm bảo thực phẩm trong nước mà còn xuất khẩu. Do đó, các địa phương cần chủ động liên kết để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm.

Bà Trần Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, vụ Đông 2021 có thêm thuận lợi. Đó là, một số địa phương Trung Quốc đang bị lũ lụt nặng nên diện tích đất nông nghiệp cũng như cây trồng bị thiệt hại lớn, chưa thể khắc phục kịp nên khả năng nhu cầu nhập khẩu có thể tăng cao. Dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng đến sản xuất một số địa phương trong nước, thế giới nên nguồn cung giảm.

Tuy nhiên, vụ này sản xuất thường gặp diễn biến bất thường của thời tiết khí hậu bất thường, cực đoan. Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất, thu hoạch, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm vụ Đông.

Bà Trần Thị Hòa cho biết, phát triển vụ Đông 2021 sẽ theo chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt, hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị. Mục tiêu vụ Đông 2021 là giữ ổn định diện tích khoảng 400 nghìn ha và sản lượng 4,6 triệu tấn. Nhóm cây ưa ấm như: ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm…  chiếm tỷ lệ khoảng 55% tổng diện tích cây vụ Đông; nhóm cây ưa lạnh như: khoai tây, rau đậu ưa lạnh khoảng 45%.

Tổng giá trị sản xuất vụ Đông 2021 cả nước phấn đấu đạt khoảng 34-35 nghìn tỷ đồng. Trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 85 triệu đồng/ha.

Theo đó, các địa phương cần tập trung chỉ đạo đón thời cơ về thị trường trong nước và Trung Quốc tăng tối đa diện tích nếu có thể; trong đó, các tỉnh, thành có nhiều tiềm năng lợi thế như: Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Tĩnh...

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương băn khoăn về thị trường xuất khẩu, bởi sản phẩm của tỉnh có tỷ trọng xuất khẩu khá lớn. Điển hình như: cà rốt xuất khẩu từ 60-70% sang các thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản… Còn thị trường trong nước, sản phẩm này được tiêu thụ nhiều ở các tỉnh thành phía Nam. Tỉnh băn khoăn về công đoạn cơ chế, bảo quản, kho chứa…. còn quá yếu, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công đoạn này.

Ông Trần Văn Quân kiến nghị, Bộ quan tâm về thị trường, rà soát, hỗ trợ địa phương về thị trường tiêu thụ; hỗ trợ về kỹ thuật để làm sao sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng.

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND Nghệ An, vụ Đông năm nay, tỉnh Nghệ An chỉ đạo sản xuất theo phương châm “4 sát”. Đó là: cơ cấu cây trồng phải sát tình hình địa phương; lịch thời vụ phải sát với dự báo khí tượng thủy văn; sát với cơ cấu thị trường; chỉ đạo sát cơ sở, thậm chí cấp thôn, cấp xóm. Tỉnh xác định vụ Đông không sản xuất mọi giá mà sản xuất bằng mọi cách, tức là sản xuất phải an toàn.

"Để sản xuất hiệu quả, tỉnh Nghệ An đã phân nhóm sản phẩm; phân công chỉ đạo; tập trung tiêu úng; dự báo thị trường tiêu thụ tạo mối liên kết sản xuất. Tỉnh cũng xây dựng thêm cơ chế của tỉnh để hỗ trợ nông dân sản xuất", ông Hoàng Nghĩa Hiếu thông tin.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, các tỉnh đều đánh giá vụ Mùa, Hè Thu có thể thu hoạch sớm hơn nên tạo điều kiện cho sản xuất cây vụ Đông ưa ấm. Các địa phương cần xây dựng phương án cơ cấu cây ưa ấm, ưa lạnh cụ thể, đặc biệt tăng mạnh cây trồng giá trị cao. Hiện, nhu cầu thức ăn gia súc rất cao, nên các địa phương cũng cần tính đến tăng diện tích cây sinh khối làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị, các địa phương phải đẩy nhanh thu hoạch lúa Mùa, Hè Thu để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão; đồng thời, giải phóng đất để sản xuất sớm vụ Đông cây ưa ấm.

Diện tích cây trồng vụ Đông 2020 đạt 375 nghìn ha, giảm 13,3 nghìn ha so với vụ đông 2019 do ảnh hưởng của con bão số 7.
 
Tổng sản lượng cây trồng vụ Đông 2020 đạt 4.565 nghìn tấn, tăng 110 nghìn tấn so với vụ Đông 2019. Giá trị sản xuất đạt 84,3 triệu đồng/ha, tăng 3,1 triệu đồng/ha so với vụ Đông 2019. Tổng giá trị cây vụ Đông 2020 đạt khoảng 32.628 tỷ đồng.

Giá trị sản xuất vụ Đông tăng do có sự chuyển dịch từ nhóm cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn như: nhóm cây dược liệu; nhóm rau ăn củ, ăn quả, rau chất lượng cao; ngô thực phẩm, ngô sinh khối; hoa, cây cảnh giá trị cao...
 
Nhiều loại cây trồng được sản xuất trong nhà màn, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có thị trường đầu ra ổn định; trồng rải vụ... Từ đó, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Bích Hồng (TTXVN)
Tiền Giang liên kết tiêu thụ lúa Hè Thu 2021
Tiền Giang liên kết tiêu thụ lúa Hè Thu 2021

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, địa phương đang khẩn trương thu hoạch vụ lúa Hè Thu 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN