Để góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC, Bạc Liêu đã và đang nỗ lực cùng với các tỉnh, thành ven biển trên cả nước triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển nghề biển một cách an toàn, bền vững và ổn định sinh kế cho ngư dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách phát triển nghề khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển, tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng tập thể, lập tổ, đội khai thác hải sản với khai thác vùng biển.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các Đồn biên phòng, UBND các xã tiếp giáp biển tổ chức tuyên truyền về Luật Thủy sản cùng các văn bản thi hành luật; đặc biệt là những quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cho bà con ngư dân bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi, đối thoại trực tiếp với ngư dân, hướng dẫn ghi chép nhật ký khai thác...
Ông Kim Thái Minh Quân, Chủ tàu cũng là thuyền trưởng (Phường Nhà Mát, Thành phố Bạc Liêu) cho biết trước khi vươn khơi đánh bắt đã được các cán bộ Chi cục Thủy sản, Đội Biên Phòng, Đội Kiểm Ngư… tuyên truyền hướng dẫn, tàu lắp đặt trang bị thiết bị giám sát hành trình, sơn màu theo quy định của Luật thủy sản 2017.
Ông Nguyễn Thái Hòa, ngư dân phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu cũng cho biết: “Để tránh vi phạm về quy định khai thác thủy sản theo Luật Thủy sản 2017 thì chúng tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu rất cẩn thận để tuân theo luật định như: khai thác đúng tuyến, ghi nhật ký khai thác, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình…Thời gian qua, nhờ các cấp chính quyền thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật chúng tôi cũng ý thức được hành động”.
Tại Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải), Bạc Liêu đã thành lập Văn phòng IUU, có nhiệm vụ kiểm tra, ghi nhận lịch trình đối với tàu trên 15m (trên 90CV) cập cảng và rời cảng, đảm bảo tính công bằng, khách quan giữa tàu trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Theo ông Hồng Văn Thưởng, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, Ban Quản lý Cảng cá Gành Hào (Thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) đã tập trung nguồn nhân lực, chú trọng tuyên truyền đến chủ tàu, thuyền trưởng trong ghi nhật ký khai thác. Qua tâp trung tuyên truyền, ý thức của chủ tàu được cải thiện đáng kể.
Mặt khác, ông Trần Xí Khuôl – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, công việc tuần tra kiểm soát biển được ngành chức năng Bạc Liêu thường xuyên thực hiện, nhằm kịp thời ngăn chặn xử lý các tàu cá vi phạm, khai thác bất hợp pháp.
Lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản phối hợp với Bộ đội Biên phòng, cảnh sát đường thủy, địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển. Qua kiểm tra, tuần tra đã phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm quy định trong khai thác thủy hải sản như: ghi nhật ký khai thác không đúng quy định; không có bằng thuyền trưởng, không treo cờ nước; không đánh dấu nhận biết tàu cá; không mua bảo hiểm cho thuyền viên làm việc trên tàu… Bên cạnh ra quyết định xử phạt, lực lượng chức năng cũng đã tuyên truyền đến ngư dân và chủ tàu về việc lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá VMS, không vi phạm vùng biển nước bạn khi khai thác, đánh bắt.
Bạc Liêu cũng tập trung phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh. Toàn tỉnh hiện có 397/405, dài trên 15m khai thác trực tiếp trên biển, đã hoàn thành việc được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục triển khai chương trình hiện đại hóa tàu cá phù hợp với từng loại nghề đảm bảo tính khả thi và hiệu quả; thực hiện chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ. Bạc Liêu đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Gành Hào hướng đến đạt tiêu chuẩn cảng cá loại I, qua đó đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa thủy hải sản cho tàu thuyền khai thác có công suất đến 600CV và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương.
Bạc Liêu đang triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ bảo quản như hệ thống bảo quản lạnh trang bị cho tàu cá xa bờ đạt từ 20 – 25%, hầm bảo quản bằng Polyurethane, lót hầm tàu bằng vật liệu inox thay cho gỗ, composite đảm bảo thu mua từ 50 – 55% sản lượng khai thác, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Đặc biệt, tỉnh củng cố, thành lập thêm các tổ, đội khai thác hải sản và các hình thức liên doanh, liên kết, các mô hình dịch vụ hậu cần tiêu thụ sản phẩm trên biển phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường và từng vùng biển. Đồng thời, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất hợp tác xã, tổ đoàn kết, mô hình liên kết giữa ngư dân với các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động trực tiếp trên tàu cá đều trải qua đào tạo nghề đạt 80%.
Bạc Liêu quyết tâm đến năm 2025 trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển khá và đến năm 2045, trở thành tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển bền vững và toàn diện kinh tế biển. Tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp khai thác và đánh bắt thủy sản hiệu quả, an toàn để phấn đấu đến năm 2025 đạt tổng sản lượng thủy sản khai thác biển và nội địa 150.000 tấn, gồm: 11.000 tấn tôm và 139.000 tấn cá cùng các loại hải sản khác.