Thực phẩm từ chăn nuôi sẵn sàng đón Tết Ất Mùi

Đánh giá về nguồn cung sản phẩm thịt cho thị trường Tết sắp tới, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi ở 3 miền tương đối cân bằng. Với xu thế này, từ nay đến Tết Nguyên đán, thị trường sẽ không lo thiếu thịt, đảm bảo với nguồn cung dồi dào và kỳ vọng giá cả sẽ không tăng”.

Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cho rằng tuy ngành gặp nhiều khó khăn về thị trường và dịch bệnh đã làm chậm việc tái đàn trong các tháng đầu năm, nhưng hiện nay chăn nuôi đang được khôi phục và phát triển nhanh. Đơn cử như, ngành chăn nuôi lợn có nhiều thuận lợi do tình hình dịch bệnh đã được khống chế, giá thịt lợn hơi tăng nên người chăn nuôi phần nào yên tâm sản xuất.

Cụ thể, chăn nuôi lợn trong tháng 11/2014 có sự gia tăng mạnh, cả nước có khoảng 26,82 triệu con lợn, tăng 2,13%, trong đó đàn lợn nái có 3,9 triệu con, tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, xu hướng chăn nuôi lợn đang chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, cho hiệu quả thấp sang hình thức gia trại, trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chăn nuôi gia cầm cũng có xu hướng phát triển tốt do dịch cúm gia cầm được khống chế, giá bán các sản phẩm gia cầm có chiều hướng tăng đã kích thích nhiều hộ chăn nuôi tập trung mở rộng quy mô, tái đàn trở lại. Tính đến tháng 11/2014, đàn gia cầm cả nước có khoảng 328,1 triệu con, tăng 4,6%, trong đó đàn gà 243 triệu con tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Với số lượng này, ông Hoàng Thanh Vân cho biết, đây sẽ là nguồn thực phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán 2015.

Hiện tại các trại, hộ chăn nuôi đang tích cực chăm sóc các đàn vật nuôi, kiểm soát tình hình dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung thịt chuẩn bị phục vụ cho thị trường Tết Ất Mùi 2015. Ảnh: TTXVN


Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng nhận định, thị trường thực phẩm thịt Tết năm nay sẽ không có biến động lớn về giá cả. Năm ngoái, nguồn cung quá nhiều đã dẫn đến sự dư thừa nhiều loại thực phẩm làm cho giá giảm. Tuy nhiên, năm nay, nguồn cung cho thị trường sẽ không nhiều bằng năm ngoái nhưng ổn định, cân bằng với nhu cầu tiêu dùng trong nước nên giá cả thực phẩm sẽ ổn định.

“Tuy nhiên, chỉ có sản phẩm thịt bò, do nguồn cung trong nước không đủ nên sẽ có sự tăng giá mạnh. Dự kiến năm nay, sản lượng thịt bò nhập khẩu đạt khoảng 39.000 tấn, tăng khoảng 20 – 25% so với năm ngoái, với trị giá 300 triệu USD”, ông Nguyễn Đăng Vang nhấn mạnh.

Để chuẩn bị cho thị trường Tết đang tới gần, anh Trần Xuân Dũng, xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh tái đàn lợn, tăng gấp 3 đến 4 lần so với cùng kỳ mọi năm. Tuy Tết năm ngoái, giá thịt lợn đi xuống, người chăn nuôi thua lỗ nhưng năm nay anh vẫn đẩy mạnh đầu tư vì nhận thấy thị trường Tết này giá cả sẽ ổn định. Theo anh Dũng, hiện tại giá lợn hơi siêu nạc đang ở mức 50.000 đồng/kg, người chăn nuôi có lãi. Với 400 con lợn được nuôi quy trình nuôi khép kín từ con giống, thức ăn, từ nay đến Tết, anh tin rằng sẽ chắc thắng và cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn lợn thịt.

Theo ông Trần Trung Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng: Chuẩn bị cho dịp cuối năm, các hộ chăn nuôi trong xã đã duy trì trên 3.000 con lợn, chủ yếu phục vụ thị trường ở Nam Định và Hà Nội. Các hộ đã chủ động sửa sang chuồng trại, đầu tư vốn để tái đàn và đến nay công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành. Công việc còn lại từ nay cho đến Tết là kiểm soát và phòng trừ dịch bệnh là chính, đảm bảo dịch bệnh không bùng phát.

Không rầm rộ như các hộ chăn nuôi lợn, ông Bùi Tâm Lý, xã Tiên phong, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam chỉ chuẩn bị cho dịp Tết này khoảng 5 tạ gà ta sạch xuất ra thị trường, tương đương khoảng 80% so với Tết năm ngoái. Theo ông Lý, không như mọi năm, nguồn cung cho thị trường Tết năm nay khá lớn. Tuy sản phẩm thịt gà ta sạch tiêu thụ rất nhiều, dễ bán nhưng để “ăn chắc” năm nay ông chủ yếu phục vụ khách hàng đã quen.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản Hà Nam: tỉnh dự kiến cung ứng cho thị trường 20.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và trên 500 tấn thịt trâu bò, đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh cũng như tham gia cung ứng cho các tỉnh bên ngoài đặc biệt là thủ đô Hà Nội. So với Tết năm ngoái, tỉnh có khả năng cung ứng các sản phẩm chăn nuôi tăng khoảng 6 - 7 % về hầu hết các loại sản phẩm.

Ngoài thế mạnh các đối tượng nuôi chính như: lợn, gia cầm, thủy cầm, tỉnh Hà Nam còn đẩy mạnh phát triển những vật nuôi đặc sản mang tính đặc hữu của địa phương như gà Móng Tiên Phong, lợn rừng… cung cấp thêm nguồn thực phẩm phong phú cho dịp Tết. Theo ông Phạm Anh Tuấn, vào dịp Tết nguyên đán, nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sản lớn. Nắm bắt cơ hội đó người chăn nuôi ở xã Tiên Phong đã đẩy mạnh phát triển đàn gà Móng. Gà Móng là giống gà quý hiếm đặc hữu của tỉnh Hà Nam, được nuôi phổ biến ở xã Tiên Phong. Gà Móng có chất lượng thịt thơm ngon, hình dáng đẹp, trọng lượng thân lớn. Với những đặc tính nổi trội đó gà Móng đã đứng vững trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, năm nay sản lượng gà Móng của địa phương cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết.

Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết sắp tới, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, cùng các lĩnh vực khác, ngành chăn nuôi tỉnh quyết liệt chỉ đạo các hệ thống về thú y cơ sở, các hệ thống chuyên môn của ngành, tuyên truyền phổ biến các quy trình, kỹ thuật chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra, bảo vệ chăn nuôi ổn định, đảm bảo đủ nhu cầu cung ứng cho nguồn thực phẩm cuối năm.

Ngoài ra, trước tình hình khó khăn của ngành chăn nuôi, tỉnh Hà Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cho người chăn nuôi. Tỉnh Hà Nam đã chủ trương chỉ đạo thực hiện chương trình mô hình liên kết bốn nhà, theo đó các hộ nông dân liên kết lại cùng nhau mua thức ăn trực tiếp từ nhà máy không qua đại lý, được ngân hàng bảo lãnh vay vốn mua thức ăn chăn nuôi cũng như các vật tư khác như giống, chuồng trại. Nhờ đó, những khó khăn lớn nhất của người chăn nuôi đã kịp thời được tháo gỡ. Năm 2014, chương trình này đã mở rộng ra 63 xã với 1.000 hộ chăn nuôi tham gia.


Bích Hồng
Đào Tết Ất Mùi hoa to đẹp, giá không biến động nhiều
Đào Tết Ất Mùi hoa to đẹp, giá không biến động nhiều

Theo nhiều chủ vườn đào nổi tiếng ở Hà Nội, thị trường Đào Tết Ất Mùi 2015 sẽ là một "vụ mùa làm mật" bội thu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN