Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế về biển đảo. Việc đưa thương hiệu biển trở thành thương hiệu quốc gia sẽ giúp khai thác những thế mạnh và tiềm năng biển để phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu quốc gia và phát triển kinh tế đất nước.
Xác lập vị thế thương hiệu biển
Nước ta có trên 3.260 km bờ biển, 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển; vùng biển Việt Nam rộng hơn 1 triệu km² và hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ trong đó có hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, thương hiệu biển mang tầm quốc gia vẫn chưa được tạo dựng và tiềm năng kinh tế biển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Một góc thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Có nhiều minh chứng về việc chúng ta chưa tận dụng và khai thác hết tiềm năng kinh tế biển. Ví dụ, khi nhắc đến biển Bali, du khách sẽ hình dung ra ngay đó là một bãi biển đẹp và nổi tiếng của Inđônêxia. Nhưng biển Nha Trang hay Hạ Long của Việt Nam đến nay vẫn chưa trở thành một thương hiệu biển chất lượng, dịch vụ, thân thiện với môi trường trong con mắt du khách nước ngoài. Là một nước có lợi thế về tiềm năng biển nhưng những ngành kinh tế biển trọng yếu: kinh tế cảng biển, kinh tế thủy sản, du lịch biển… vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Thực tế thành công ở các nước về phát triển kinh tế biển cho thấy, chỉ khi nào xây dựng thương hiệu biển mang tầm quốc gia thì kinh tế biển, trong đó có kinh tế du lịch mới phát triển lớn mạnh như các nước.
Ông Hoàng Duy Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo: “Để phát triển mạnh kinh tế biển, đảo và phát triển thành công thương hiệu biển Việt Nam, Nhà nước phải có một cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp và đồng bộ cùng với nguồn lực đầu tư đúng hướng, đủ mạnh”. |
Theo các chuyên gia tham dự Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2013, các ngành kinh tế biển phát triển sẽ tạo sự bứt phá và trụ đỡ cho nền kinh tế của đất nước, là tiền đề để xây dựng và phát triển thương hiệu biển. Đến lượt mình, thương hiệu biển được khẳng định sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của các ngành kinh tế biển theo hướng bền vững.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục biển đảo Nguyễn Đăng Đạo thương hiệu biển Việt Nam phải được nhìn nhận là thành viên của thương hiệu quốc gia. Thương hiệu biển Việt Nam sẽ giúp bạn bè quốc tế và người Việt Nam hiểu đầy đủ hơn về hình ảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam. Quảng bá thương hiệu biển Việt Nam do đó cũng đồng nghĩa với quảng bá hình ảnh quốc gia biển Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Đạo nhấn mạnh: “Thương hiệu biển Việt Nam giúp bạn bè quốc tế và người dân Việt Nam hiểu đầy đủ hơn về hình ảnh quốc gia Việt Nam, một quốc gia có thế mạnh về biển. Nó cũng giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về hình ảnh đất nước đang vươn lên khẳng định vị thế và giá trị của mình, từng bước xây dựng hình ảnh của một quốc gia biển vững mạnh. Vì thế, thương hiệu biển không đơn thuần là một thuật ngữ kinh tế, nó là một thực thể bao trùm những thành tố vượt khỏi các hoạt động của doanh nghiệp, ngành nghề, nó mang trong đó nhiều giá trị Việt Nam”.
Đột phá từ chính sách
Để Việt Nam “trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, theo PGS. TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhà nước cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, hấp dẫn tạo ra những lợi thế ưu đãi khuyến khích cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để tranh thủ các nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế biển, đảo; đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để phát triển thương hiệu các sản phẩm của doanh nghiệp mình.
Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước (Trích Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020) |
“Để phát triển kinh tế biển và thương hiệu biển, Nhà nước cần tranh thủ các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, cần ưu tiên tập trung nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế biển (ưu tiên đầu tư vào xây dựng đường giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp, các công trình biển... ); chú trọng quảng bá, phát triển thương hiệu biển Việt Nam nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh kinh tế biển, đảo”, ông Thắng đề nghị.
Ông Hoàng Duy Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo cho rằng, xây dựng thương hiệu biển không chỉ là việc khai thác, sử dụng biển thế nào cho hợp lý, hiệu quả và bền vững mà là việc liên kết giữa các ngành, nghề trong việc xây dựng một thương hiệu mang tầm vĩ mô. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển cho hợp lý, thích hợp để huy động sự tham gia tích cực, sự phối hợp, hợp tác của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu biển. Nhà nước cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, hấp dẫn tạo ra những lợi thế ưu đãi khuyến khích cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để tranh thủ các nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế biển, đảo; đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để phát triển thương hiệu các sản phẩm của doanh nghiệp mình.
Ông Nguyễn Đăng Đạo lưu ý, xây dựng Thương hiệu biển Việt Nam phải gắn liền với phát triển bền vững, dung hòa 3 lĩnh vực chính: kinh tế - xã hội - môi trường; Giữ gìn và bảo tồn những cảnh quan văn hóa vừa mang tính thiên tạo lại vừa mang tính nhân tạo nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của dân nội địa lại vừa là những nguồn lực để phát triển du lịch; Giữ gìn và bảo tồn những đặc trưng văn hóa được sản sinh ra từ các hoạt động của con người. Cần phải tập trung vào những biện pháp để nâng cao và giữ gìn được các thương hiệu đã có trong các ngành, lĩnh vực; trước hết là quảng bá, bảo vệ và nâng cao hiệu quả các thương hiệu sản phẩm của ngành du lịch, thủy sản, đóng tàu… đã có.
Có các định hướng cùng các giải pháp nhằm phát triển thương hiệu cho ngành, lĩnh vực mang tính đột phá về kinh tế biển mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển đã đề ra, đó là các ngành: Khai thác, chế biến dầu, khí; Kinh tế hàng hải; Khai thác và chế biến hải sản; Du lịch biển và kinh tế hải đảo; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển. Tăng cường xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm, địa danh biển để tạo nên những “điểm đến” hấp dẫn.
Chiến lược tiếp thị hiệu quả
Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ gắn với biển, lợi thế về cảnh quan, tài nguyên không nhiều như Singapore, Hồng Công (Trung Quốc), Thái Lan, Thẩm Quyến…, nhưng nhờ quảng bá tốt hình ảnh của mình, biết liên kết những thế mạnh của mình với vùng lãnh thổ và quốc gia khác mà chiếm lĩnh được một thị trường rộng lớn, đều đã đạt được những bước phát triển thần kỳ.
Đối với Việt Nam, theo ông Nguyễn Đăng Đạo, thương hiệu biển Việt Nam chính là sự hòa quyện giữa con người và các sản vật, sản phẩm biển, như hình ảnh các vùng ven biển, từng hòn đảo, các khu du lịch, sản phẩm ngành hàng, sản phẩm của các doanh nghiệp… Đặc biệt, hình ảnh các vùng bờ biển Việt Nam với các cảng nước sâu và khu kinh tế biển là hai yếu tố gắn kết trong tạo dựng thương hiệu của một vùng bờ biển nhất định, hiện có đến 50% các đô thị ven biển Việt Nam chứa đựng cả hai yếu tố này. Để xây dựng thương hiệu biển Việt Nam, cần đổi mới phương thức khai thác tài nguyên và có chiến lược tiếp thị hiệu quả để đưa ra được các sản phẩm kinh tế, văn hóa, du lịch biển có sức cạnh tranh hơn.
Với 28 địa phương có biển, theo các chuyên gia xây dựng thương hiệu, để xây dựng thương hiệu biển, Việt Nam phải chú trọng đến liên kết giữa các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Cần xác định, phát triển thương hiệu biển Việt Nam sẽ hỗ trợ để các địa phương, ngành kinh tế và doanh nghiệp cùng xây dựng thương hiệu của mình. Thương hiệu biển là một công cụ có khả năng liên kết những tiềm năng, lợi thế của các địa phương và doanh nghiệp, của Việt Nam với quốc tế. Trên thực tế, nhiều quốc gia, địa phương và ngành nghề dù không có nguồn tài nguyên dồi dào nhưng nhờ có chiến lược tiếp thị thương hiệu hiệu quả nên đã biến ngành nghề, địa phương thành những “sản phẩm” hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, du khách.
Mặc khác, trong quá trình xây dựng thương hiệu biển phải đặc biệt chú ý đến thương hiệu địa phương, vùng miền. Sự hợp tác giữa các địa phương, vùng miền sẽ tạo nên những thương hiệu “dùng chung” vượt ra khỏi biên giới địa phương để trở thành những thương hiệu mang dấu ấn của vùng, thậm chí đem đến sự thành công cho các quốc gia, vùng lãnh thổ.
“Thương hiệu biển Việt Nam không chỉ là phương thức thu hút đầu tư và hợp tác phát triển kinh tế biển, mà còn là yếu tố đòn bẩy giúp các địa phương dễ dàng tiếp cận với thế giới bên ngoài trong thời hội nhập, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu về Chiến lược biển đến năm 2020, để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, ông Nguyễn Đăng Đạo nhấn mạnh.
Thu Hường