Thương hiệu Việt: Cần sự lan tỏa bền vững

Hàng hóa Việt ngày càng trở nên gần gũi với người dân Việt Nam. Đơn cử mặt hàng quần áo, nhiều cửa hàng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh còn trưng biển “Made in Vietnam” để “câu” khách dù có bán kèm hàng Trung Quốc.

Tại Hội nghị sơ kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 18/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã đánh giá: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có tác động tích cực đến người tiêu dùng, đồng thời giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về vai trò trách nhiệm của mình.

Hình thành thói quen “sính nội”

Sau 1 năm thực hiện, Cuộc vận động bước đầu đã đạt một số kết quả tích cực, góp phần phát huy bản lĩnh, trí tuệ Việt, nâng cao ý thức, niềm tự hào tự tôn dân tộc của mọi người Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng hóa sản xuất trong nước bán tại nhiều siêu thị đã chiếm tỷ lệ 95%. Trong 69 đợt bán hàng về nông thôn của một số tỉnh, thành phố, doanh thu bán hàng hóa Việt Nam đã đạt 1.467 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các đại biểu tham quan gian triển lãm sản phẩm hàng Việt Nam tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Theo kết quả điều tra 1 năm thực hiện Cuộc vận động do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành, có đến 59% người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; % người tiêu dùng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”; 36% người tiêu dùng cho rằng “trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc ít mua hơn), thay bằng mua hàng Việt Nam”.

Nhờ những con số “đẹp” này mà các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước đã có thêm động lực trong phát triển sản xuất kinh doanh. Họ đã chủ động và chú trọng đổi mới công nghệ và quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành hạ; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ sau bán hàng đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của người tiêu dùng...

Nhờ đó, nhóm hàng hóa sản xuất trong nước đã được người Việt Nam ưa chuộng hơn so với những năm trước đây như: Sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép sản xuất trong nước có tới 80% người tiêu dụng ưa chuộng; tương tự thực phẩm, rau quả là 58%; các sản phẩm đồ gia dụng là 49%; vật liệu xây dựng, đồ nội thất là %; đồ chơi, dụng cụ học tập dành cho trẻ em là 34%...

Trăn trở thị trường nông thôn

Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng: Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi đưa hàng về nông thôn quảng bá và tiêu thụ là vấn đề nhân lực. Vì phần lớn nhân lực bán hàng tập trung ở trung tâm các thành phố và nếu đưa về nông thôn thì sẽ tăng thêm chi phí phát sinh; quan niệm, đánh giá thương hiệu của người tiêu dùng nông thôn đối với hàng “made in Vietnam” còn chưa cao nên sự cạnh tranh với những mặt hàng có thương hiệu còn yếu.

Theo ông Thắng, hệ thống phân phối hàng hóa cũng gặp nhiều bất cập do các siêu thị, trung tâm bán hàng chủ yếu tập trung ở các thành phố; còn tồn tại cấp thị trường nhỏ lẻ; thiếu mạng lưới phân phối tương đối hoàn chỉnh... Do sự bất cập kênh phân phối, chi phí cao nên nông dân có thu nhập thấp lại phải mua hàng Việt với mức giá cao... Vì vậy, hiện nay mô hình tổ chức đưa hàng về nông thôn chưa hiệu quả, lợi nhuận bán hàng không cao. Ông Thắng cho rằng, chỉ khi doanh nghiệp đặt lợi ích và trách nhiệm với xã hội, Nhà nước, cộng đồng thì mới mặn mà với thị trường này.

Theo ông Thắng, từ nay đến năm 2015, Hapro sẽ phấn đấu tăng tỷ trọng doanh thu cao từ thị trường nông thôn. Để làm được điều này, Hapro phải làm việc với các địa phương để xây dựng địa điểm kinh doanh cố định; tổ chức bán hàng lưu động, chợ phiên để mang lại hiệu quả lâu dài cũng như tôn vinh thương hiệu Việt.

Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) kiến nghị: Để Cuộc vận động hiệu quả hơn, trong thời gian tới Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn về thủ tục giấy tờ, hành chính để tiếp cận tốt hơn thị trường nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Đó chính là cơ sở để doanh nghiệp gây dựng hệ thống phân phối tại các khu vực này.

Đại diện Vissan nhấn mạnh: Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần xây dựng được mạng lưới phân phối sản phẩm tới tận vùng nông thôn; chủ động, tích cực đưa hàng tới các khu vực này thay vì cách tiếp cận còn mang tính hành chính, phong trào như hiện nay. “Một vài tháng mới có một chuyến hàng về nông thôn thì không thể tạo ra được hiệu ứng tốt và liên tục được”, lãnh đạo Vissan chia sẻ.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng lưu ý thêm: "Cuộc vận động này phải được coi là lâu dài, quyết định sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp và đất nước. Các doanh nghiệp cần tránh tình trạng bán hàng một lần rồi để lần sau quay lại thì không ai chấp nhận nổi do hàng lần trước chất lượng không tốt. Cùng đó, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá cuộc vận động một cách hiệu quả hơn, nếu không cuộc vận động vẫn chỉ là hình thức, không nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đất nước được".

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN