Riêng đối với doanh nghiệp Việt cũng trong xu hướng chủ động, linh hoạt, chuyển mình vượt lên khó khăn để vững vàng trên hành trình hội nhập quốc tế và khẳng định thương hiệu Việt. Ngày càng nhiều thương Việt được xây dựng và phát triển trên nền tảng chất lượng, tiêu chuẩn đã chinh phục được người tiêu dùng tại thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu.
Phóng viên TTXVN thực hiện chủ đề "Thương hiệu Việt hội nhập", nhằm thông tin về hành trình xây dựng và phát triển của những doanh nghiệp. Đồng thời, ghi nhận ý kiến chuyên gia, cơ quan quản lý... về sự đóng góp của những thương hiệu Việt đã vươn lên, phát triển cùng đất nước, khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới.
Bài 1: Hướng đến tăng trưởng xanh
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở và hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu thông qua chính sách ngoại giao, nhất là tham gia đa dạng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Riêng Tp. Hồ Chí Minh có cơ hội đón làn sóng đầu tư của doanh nghiệp FDI và nguồn vốn xanh trong nhiều năm trở lại đây. Những doanh nghiệp FDI gia nhập thị trường nội địa không chỉ đóng góp vào nền kinh tế quốc gia, địa phương, mà còn tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp xanh, tạo tăng trưởng trực tiếp và thúc đẩy phát triển bền vững.
Phát triển nhanh và bền vững
Theo Bộ Ngoại giao, sau hơn hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Khát vọng về một Việt Nam phát triển bền vững đã được thể hiện ở mục tiêu đưa đất nước gia nhập hàng ngũ nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, quan điểm phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới là phát triển nhanh và bền vững, đồng thời phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu”, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc chia sẻ, nếu nhìn nhận nguồn lực quốc gia theo tư duy và cách tiếp cận mở, cần phải gắn nguồn lực trong nước với nguồn lực ngoài nước, kết hợp hài hòa nội lực và ngoại lực. Trong đó, các địa phương, doanh nghiệp, người dân, không chỉ là trung tâm, động lực, đối tượng thụ hưởng, mà còn là những chủ thể nòng cốt và đi đầu hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Ở góc độ địa phương, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho hay, một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam đang bước sang một giai đoạn phát triển mới là phải huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển, trong đó vốn FDI “xanh” đóng vai trò quan trọng. Với bối cảnh dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát, Tp. Hồ Chí Minh quyết tâm không để lỡ cơ hội phục hồi kinh tế.
Tp. Hồ Chí Minh đã xác định chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh cũng ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025; trong đó giai đoạn phục hồi đến hết năm 2022 và giai đoạn phát triển từ năm 2023 đến năm 2025.
Với vai trò là một trong những đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam, trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tp. Hồ Chí Minh đang không ngừng phấn đấu hướng đến một cơ cấu kinh tế năng động, giá trị gia tăng cao và ít ô nhiễm môi trường. Để thực hiện mục tiêu thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI, nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn này, Tp. Hồ Chí Minh sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.
Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút những tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn, trình độ khoa học công nghệ cao đầu tư vào đa dạng dự án có cam kết sử dụng năng lượng, vật liệu xanh. Đồng thời xác định, hoạt động thu hút nguồn vốn FDI cần tạo bước đột phá để tận dụng triệt để lợi thế của Tp. Hồ Chí Minh, gồm nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ phát triển công nghệ đang tiệm cận với khu vực; cơ sở hạ tầng đang được tập trung đầu tư tương đối hoàn chỉnh; môi trường đầu tư được cải thiện…
Động lực từ các địa phương
Theo một số chuyên gia, đặt mục tiêu tăng trưởng xanh ở vị trí trung tâm của chiến lược quy hoạch tổng thể và kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội địa phương có giá trị và ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển một Việt Nam bền vững. Điều này sẽ giúp định hướng thu hút đầu tư, cũng như hỗ trợ và giám sát hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương, tránh rủi ro về khai thác, sử dụng tài nguyên đất nước lãng phí.
Việt Nam có một số thuận lợi, trước hết là quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc đẩy nhanh chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững. Đây không chỉ là xu hướng chung của thế giới mà là nhu cầu bức thiết của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Sự nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp, người dân về sự cần thiết của sự phục hồi và tăng trưởng xanh, bền vững tại Việt Nam gia tăng lớn trong thời gian vừa qua. Mặt khác, nhiều đối tác nước ngoài cũng đang trong quá trình tái cấu trúc lại mô hình tăng trưởng và hợp tác với bên ngoài theo hướng xanh, bền vững đã mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân Việt Nam tiếp cận làn sóng sản xuất và tiêu dùng xanh.
Hầu hết tỉnh, thành đều thể hiện rất rõ về sứ mệnh và tầm nhìn phải đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nhưng trên thực tế đòi hỏi những điều kiện cần và đủ nhất định để thực thi chuyển đổi xanh. Trong đó, có thể kể đến yêu cầu đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và những chi phí tài chính khác cũng không dễ dàng đáp ứng, nhất là trong bối cảnh khó khăn và còn nhiều thách thức như hiện nay.
Vấn đề đặt ra là làm sao huy động và hội tụ được nguồn lực, thúc đẩy được những nỗ lực, sáng kiến và hành động không ngừng của các bên liên quan, tạo ra sức mạnh cộng hưởng với phương châm “một hành động nhỏ, nhiều thay đổi lớn”. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu được xác định là khu vực tư nhân.
Ghi nhận tế tại một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng ưu tiên thu hút doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến; khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ… Đại diện một số tỉnh, thành cho rằng, chuyển đổi số là chìa khóa để mở cánh cửa giao thương sâu rộng hơn với thế giới, từ đó thu hút nguồn lực tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế địa phương.
Điển hình, năm 2022, Tp. Hồ Chí Minh định hướng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nền tảng hạ tầng số để phục vụ chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối dữ liệu... nhằm phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và phục vụ việc quản trị thành phố. Giải pháp này, được kỳ vọng sẽ giúp minh bạch các cơ chế, chính sách, tạo niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước hoạt động lâu dài tại thành phố.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 10 và 11 đều đặt ra mục tiêu là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Do đó, tại 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều bắt buộc đáp ứng yêu cầu phải xử lý nước thải tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã chuyển đổi công nghệ mới, sử dụng ít lao động hơn và đối với công đoạn có ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động thì doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang dùng robot. Đây là một xu thế góp phần vào việc tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch là 6.500 ha đất cho phát triển khu công nghiệp trong thời gian tới. Dự kiến, tỉnh Đồng Nai sẽ hình thành 8 khu công nghiệp nữa và ưu tiên phát triển khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp hiện đại.
Bài 2: Ưu tiên phát triển doanh nghiệp