Liên kết để xây dựng thương hiệu
Ở góc độ doanh nghiệp FDI, bà Holly Bostock, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao, Heineken Việt Nam cho hay, liên doanh giữa Heineken và Tổng Công ty Thương mại - Một thành viên Trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn (SATRA), Heineken Việt Nam có lịch sử phát triển hơn 30 năm với những dấu ấn và thành tựu đáng ghi nhận. Từ khởi đầu khiêm tốn với nhà máy đầu tiên ở Tp. Hồ Chí Minh năm 1991, đến nay Heineken Việt Nam đã vươn lên thành một trong những công ty hàng đầu tại Việt Nam với 6 nhà máy và hơn 3.000 nhân viên trên toàn quốc.
Trong toàn bộ chuỗi giá trị, Heineken Việt Nam đang hỗ trợ gần 200.000 việc làm và đóng góp gần 1% tổng GDP của cả nước. Heineken Việt Nam cũng liên tục giữ vị trí là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp thuế nhiều nhất cho ngân sách nhà nước.
Theo bà Holly Bostock, Heineken Việt Nam không ngừng đổi mới sáng tạo, kết hợp kinh nghiệm quốc tế và những hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt Nam để mang đến cho người tiêu dùng Việt một danh mục sản phẩm đa dạng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Tại Việt Nam, Heineken sản xuất và phân phối đa dạng nhãn hiệu toàn cầu, cũng như phát triển nhiều nhãn hiệu địa phương được người dân Việt Nam ưa chuộng.
Cũng trên hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu "hãng sữa của các chuyên gia", Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Vườn quốc gia Núi Chúa nhằm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên cây dược liệu, hương liệu. Đây là dự án quy mô tiếp theo của “hãng sữa các chuyên gia” khi tiến vào lĩnh vực thảo dược, sau thương vụ đầu tư vào Công ty cổ phần Thương mại-Dược-Sâm Ngọc Linh Quảng Nam (Quasapharco).
Chia sẻ về sự kiện này, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Nutifood cho biết, ngay khi bước chân vào lĩnh vực thảo dược, Nutifood đã đặt trọng tâm vào hoạt động bảo tồn, phát triển rừng song song với việc nghiên cứu, nhân giống, mở rộng vùng trồng. Bởi phần lớn các thảo dược quý hiếm của Việt Nam như sâm ngọc linh, xáo tam phân… đều sống cộng sinh với rừng.
Thông qua giải pháp ký kết hợp tác, Nutifood mong muốn được góp phần bảo vệ “nguồn tài sản quý giá” của Việt Nam, gìn giữ các loại dược liệu sắp bị tuyệt chủng, đồng thời nhân rộng những thảo dược quý hiếm để phục vụ cho sức khỏe con người. Nutifood đang làm việc với hệ thống viện nghiên cứu, trường đại học, cùng Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Núi Chúa và chính quyền địa phương để có kế hoạch phát triển phù hợp cho các loại dược liệu quý tại đây, nhằm tăng số lượng, tránh để cây bị tuyệt chủng trong tự nhiên
Trước đó, Nutifood đã thực hiện thương vụ triệu USD và hoàn tất thủ tục đầu tư vào Quasapharco. Kế hoạch đưa Sâm Ngọc Linh “vượt biên giới” cũng được Nutifood hoạch định từ sớm với nhiều hoạt động như quy hoạch và mở rộng vùng trồng sâm; thực hiện chứng minh lâm sàng có giá trị quốc tế bởi Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển; xây dựng hệ sinh thái quảng bá sâm Ngọc Linh tại Việt Nam và nhiều nước khác…
Theo cộng đồng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, dù liên doanh thương hiệu trong hay ngoài nước, phát triển thị trường nội địa hay toàn cầu, thì chất lượng luôn là yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng và phát triển thương hiệu Việt. Với những yêu cầu của quá trình hội nhập, thương hiệu Việt bắt buộc phải nâng cấp chất lượng, đạt tiêu chuẩn… vì sản phẩm có mẫu mã, thiết kế đẹp đến đâu mà chất lượng kém thì cũng không vào thị trường quốc tế được.
Qua kinh nghiệm đưa thương hiệu Việt ra thị trường toàn cầu, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dh Foods cho rằng, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ thật sự là một trong những rào cản sống còn của thương hiệu Việt. Điều này, đặt ra những thách thức trong quá trình hình thành chuỗi cung ứng và tìm kiếm nhà cung cấp phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt.
Liên kết để lan tỏa thương hiệu Việt
Năm 2022 được xem là năm cả nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh sau khoảng thời dịch COVID-19 bùng phát và gây ảnh hưởng nặng nề. Hơn thế nữa, nhiều doanh nghiệp cho thấy sự trở lại với những chiến lược tăng trưởng bền vững và định hướng sản xuất kinh doanh theo hướng đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Trước bối cảnh này, ngay từ quý I/2022, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình "bắc cầu giao thương", hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó, đã có chương trình kết nối, trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước của Thành phố với Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Thông qua việc phát huy mạnh mẽ vai trò trở thành đầu mối giao thương, xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đang thúc đẩy nhiều giải pháp tháo gỡ những vướng mắc của Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tại Tp. Hồ Chí Minh.
Hiện Tp. Hồ Chí Minh là địa phương tập trung đông nhất các Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài với gần 1.900 văn phòng đang thực hiện chức năng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy cơ hội đầu tư, kinh doanh dịch vụ... của thương nhân đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, số lượng văn phòng đại diện của thương nhân một số nước chiếm tỷ lệ cao như dẫn đầu là Singapore với 371 văn phòng đại diện của thương nhân, tiếp theo là Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)...
Đây là nguồn lực vô cùng quý giá để sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, thúc đẩy liên kết, hợp tác và lan tỏa hàng hóa mang thương hiệu, xuất xứ Việt Nam ra thị trường thế giới. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19, các Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài vẫn giữ vững nhịp cầu thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp các nước tại Việt Nam.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam đã trở thành một trong số những quốc gia có mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân cao nhất thế giới và khu vực, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011-2020 là 14,6%/năm và năm 2021 là 19%. Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh mong muốn Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài xem ngành Công Thương là đối tác trong thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh sẵn sàng là địa chỉ đáng tin cậy, phối hợp với các bên mở ra nhiều cơ hội gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài để lắng nghe và cùng nhau giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động. Từ đó, đặt nền móng xây dựng kênh trao đổi thông tin, hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, với các Văn phòng đại diên thương nhân nước ngoài.
Dự kiến trong thời gian tới, ngành Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tập trung vào vấn đề xúc tiến thương mại, đầu tư theo từng nhóm thị trường, nhóm hàng hóa (hữu hình lẫn vô hình) để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh hợp tác phát triển ở một số lĩnh vực như kinh tế số, thương mại điện tử, logistics, công nghiệp... Hiện nay, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã tăng cường thông tin minh bạch trên trang thông tin điện tử, Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài có thể kết nối thuận lợi qua phương thức điện tử.
Ngoài ra, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, ngành Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực thương mại điện tử phát triển, nhất là xuất khẩu qua kênh bán hàng online. Thống kê, hai năm 2020-2021 kinh doanh trực tuyến (online) tại Việt Nam đánh dấu bước phát triển vượt bật, đậm nét trên cả thị trường bán lẻ trong và ngoài nước.
Hiện nay, hầu hết đơn vị kinh doanh online tại Việt Nam đều có thể tham gia cung ứng, bán hàng ra thị trường nước ngoài, nhất là những thương hiệu Việt đã xây dựng được uy tín tại thị trường nội địa. Kinh doanh online cũng được đánh giá là bước đi thông minh và linh hoạt chuyển mình cần thiết cho doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường xuyên biên giới.