Thương lái từ chối thu mua, nông dân Long An ngậm ngùi đốt ruộng mía

Những ngày này, nhiều diện tích mía tại các huyện Bến Lức, Thủ Thừa của tỉnh Long An đã đến ngày thu hoạch nhưng không có thương lái mua hoặc mua với giá rất thấp. Điều này, làm người dân trồng mía rơi vào cảnh “điêu đứng” trong Tết năm nay.

Với diện tích hơn 1,2 ha mía đã đến ngày thu hoạch, ông Đặng Văn Em, ngụ ấp 3, xã Bình Đức đã gọi thương lái đến mua. Tuy nhiên, nhiều thương lái từ chối thu mua vì đang gặp khó khăn về nhân công. Vì vậy gia đình ông buộc phải đốt ruộng mía của mình mía để dọn vệ sinh. 

Nhìn cây mía to, thẳng tắp còn đứng trơ trơ sau khi đốt, lòng ông Đặng Văn Em như nghẹn lại: “Gia đình đầu tư gần 50 triệu đồng cho mỗi ha mía, nhưng đến ngày thu hoạch lại không bán được, phải năn nỉ thương lái đến mua cũng không xong. Đây là điều chua xót đối với người nông dân chúng tôi. Tết Nguyên đán là Tết truyền thống, gia đình phải có mâm cơm cúng ông bà, nhưng với diện tích mía không bán được này, tôi gặp rất nhiều khó khăn”.

Còn ông Lê Văn Tiên, trú tại ấp 3, xã Tân Thành cho hay, trong mấy chục năm sống bằng nghề trồng mía, đây là năm gia đình ông khốn đốn nhất. Gia đình ông Tiên trồng gần 2 ha mía và hiện tại vẫn chạy đôn, chạy đáo kêu thương lái bán để có tiền ăn Tết.

Theo ông Tiên, tình hình mía năm nay xuống dốc rất trầm trọng. Trước đây, thương lái đến mua được vài chục nghìn đồng/tấn. Thời điểm hiện tại, thương lái ra điều kiện phải cho lại 1-2 triệu để họ thuê công nhân đốn, dọn đất. “Bản thân tôi và những người dân trồng mía không biết ăn Tết như thế nào. Cây mía giờ bán không được, lấy tiền đâu để mua sắm Tết?”, ông Lê Văn Tiên cho biết.

Không khác người trồng mía, thương lái cũng gặp trở ngại trong việc thu mua. Ông Trương Hoàng Hôn, thương lái cho rằng, thu mua mía hiện nay chỉ lời 30.000 đồng/tấn mía, như vậy, 1 ha mía với năng suất 60 - 70 tấn, lời khoảng hơn 1,8 - 2 triệu đồng.

“ Người nông dân thiệt hại về giá, còn thương lái chúng tôi thì không có nhân công. Bên cạnh đó, việc vận chuyển mía đến tận tỉnh Tây Ninh hoặc tỉnh Bến Tre để bán, làm cho chi phí càng tăng cao hơn. Do vậy, buộc chúng tôi phải mua mía cho người trồng mía giá thấp”, ông Hoàng Hôn cho biết thêm.

Theo ông Phan Thanh Huấn, Bí thư Đảng ủy xã Bình Đức, diện tích mía của xã năm 2018-2019 là hơn 600 ha, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ bán được khoảng 200 ha. Số còn lại vẫn còn đứng trơ ngoài đồng ruộng, do gặp khó khăn trong tiêu thụ. Nguyên nhân nhà máy đường NIVL ở Bến Lức không hoạt động. Còn vận chuyển đi các tỉnh khác, chi phí cao. Mía hiện nay ở giá 30.000 - 50.000 đồng/tấn, tại ruộng. Thậm chí, có lúc thương lái không mua, người dân phải chặt phá vệ sinh đồng ruộng. Người trồng mía mong muốn có định hướng chuyển đổi cây trồng có sự hỗ trợ, tiếp sức với bà con để trong thời gian tới phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bà con.

“Riêng đối với chính quyền địa phương, đã nhiều lần đề đạt tìm nguồn đầu ra cho cây mía, tạo mọi điều kiện tiêu thụ hết diện tích mía đang có; đồng thời, triển khai chủ trương mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng này, vốn đầu tư rất cao. Mong rằng các ngành chức năng cấp tỉnh, huyện sẽ có quan tâm, kêu gọi các nhà đầu tư hướng dẫn, định hướng chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ vốn đầu tư thêm để người dân có điều kiện chuyển đổi cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn”, ông Phan Thanh Huấn cho hay.

Còn ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho rằng, vụ mía năm 2017-2018, toàn xã có gần 1.400 ha mía, nhưng vụ năm 2018-2019, chỉ còn gần 870 ha. Với diện tích này, hiện chỉ thu hoạch khoảng 300 ha, số còn lại người trồng đang lo lắng do không có nơi tiêu thụ. Hiện lãnh đạo xã rất lúng túng trong việc định hướng cho người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, diện cây mía niên vụ năm 2018-2019 gần 6.000 ha, chủ yếu tập trung ở huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ. Hiện đã thu hoạch hơn 2.000 ha, với sản lượng 145.500 tấn. Số diện tích còn lại đã đến giai đoạn thu hoạch, nhưng vẫn đứng ngoài đồng ruộng. 

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An thừa nhận, nông dân trồng mía trong tỉnh đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do giá thấp, thị trường bấp bênh và nhân công khan hiếm. Về lâu dài, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu giống cây trồng thích hợp để chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh được thay thế các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thanh Bình (TTXVN)
Nông dân Cù Lao Dung Sóc Trăng lao đao vì giá mía thấp kỷ lục
Nông dân Cù Lao Dung Sóc Trăng lao đao vì giá mía thấp kỷ lục

Huyện Cù Lao Dung từ lâu được coi như “thủ phủ” trồng mía của tỉnh Sóc Trăng, tuy nhiên vài năm trở lại đây, giá mía liên tục giảm sâu khiến người dân không còn mặn mà với loại cây trồng truyền thống này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN