Thương mại điện tử - kênh phát triển kinh tế đầy tiềm năng

Hiện nay, thương mại điện tử đã và đang hấp dẫn cả doanh nghiệp kinh doanh lẫn người tiêu dùng trong hình thức thương mại toàn cầu.

Hà Nội cũng không nằm ngoài xu hướng đó và đã chuyển mình theo tình hình chung của thế giới trong lĩnh vực thương mại điện tử, bởi đây là kênh phát triển kinh tế đầy tiềm năng. Vì vậy năm 2021, Hà Nội đã đưa ra kế hoạch cụ thể để phấn đấu trở thành một trong hai thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số tăng trưởng trong lĩnh vực này.

Tạo sân chơi mới đầy hấp dẫn 

Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, năm 2020, Hà Nội thu thuế từ thương mại điện tử đạt 123 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với năm 2019. Từ năm 2017, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã gửi tin nhắn đến các chủ thuê bao có địa chỉ bán hàng trên các mạng xã hội với 13.000 tin nhắn và xác định có khoảng trên 2.000 cá nhân thực hiện các thủ tục đăng ký kê khai thuế.

Tại sự kiện siêu khuyến mại ngày 11/11/2020, các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki… với những chương trình giảm giá mạnh đã đạt doanh thu lớn trong một ngày. Lazada giảm đến 50% với tổng giá trị mã giảm lên đến 22 tỷ đồng; Tiki tung chương trình "Tiki thả thính - Vạn deal đều dính" với các mức khuyến mại khác nhau tại hơn 35 ngành hàng... Chỉ trong một giờ đầu tiên của ngày mua sắm này, sàn thương mại điện tử Shopee đã ghi nhận 20 triệu lượt truy cập... Có thể thấy, thương mại điện tử đã tạo ra một sân chơi mới, trở thành thị trường tiềm năng đầy hấp dẫn thu hút doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng tham gia.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, đại dịch COVID-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Các chuyên gia cũng dự báo, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong nước xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, từ đó mở rộng thị trường, phục hồi sau đại dịch.

Về phía các doanh nghiệp cho rằng, thương mại điện tử là kênh phát triển nhiều tiềm năng, không chỉ đối với các công ty khởi nghiệp, mà ngay cả những thương hiệu lớn như Trung Nguyên, Biti's... cũng đều tính đến "bài toán" này trong phát triển thương mại toàn cầu.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, kênh thương mại điện tử là một kênh phát triển đầy tiềm năng, tạo ra sân chơi mới thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thương mại điện tử cũng đã bộc lộ những hạn chế như: hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ; cách thức mua hàng trực tuyến ở một số sàn thương mại điện tử còn phức tạp khiến người tiêu dùng khó tiếp cận; chất lượng của một số sản phẩm không đúng như quảng cáo làm người tiêu dùng mất lòng tin...

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Hà Nội thúc đẩy thương mại điện tử đi đôi với hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử và nâng cao chất lượng hoạt động vận tải giao nhận hàng hóa sẽ tạo nên một môi trường mua sắm, giao thương hết sức sôi động và đầy tiềm năng. Nếu Hà Nội nắm bắt kịp thời, chắc chắn lĩnh vực này sẽ tạo ra xung lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đưa Hà Nội trở thành thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số tăng trưởng trong thương mại điện tử. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để giúp thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ và hoàn thiện hơn trong các giao dịch, vận hành, quản lý... Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2021 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu doanh số thương mại điện tử giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến chiếm 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 45%. Giữ vững xếp hạng thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hàng năm. Hà Nội phấn đấu sẽ hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử có uy tín trong khu vực; khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp kinh doanh bằng thương mại điện tử. Hình thành, phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới….

Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp kinh doanh từ thương mại điện tử. Phát triển các hạ tầng giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công… Phát triển hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử….

Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục cập nhật và hoàn thiện về cả tính năng, nội dung và hình thức của Chợ thương mại điện tử sản phẩm nông sản an toàn, sản xuất theo chuỗi trên địa bàn thành phố Hà Nội (www.chonhaminh.gov.vn) và ứng dụng trên nền tảng di động của Chợ….

Hà Nội tiếp tục triển khai đạt hiệu quả Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm của thành phố (http://hn.check.net.vn, http://check.gov.vn); triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" với thương mại điện tử để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng bao bì gắn với tem truy xuất nguồn gốc và nhãn hiệu nông sản được bảo hộ tham gia vào hệ thống quản lý truy xuất chung của thành phố.

Ứng dụng mã hình QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử… và hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua….

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) quản lý cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố đã thực hiện việc đăng ký/thông báo theo quy định tại địa chỉ mạng http://online.gov.vn.

Đồng thời, Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận các hoạt động thương mại điện tử; lựa chọn các doanh nghiệp đủ năng lực kết nối đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, tham gia chương trình "Gian hàng Việt Nam" và kết nối Trang nông sản an toàn Hà Nội với "Gian hàng Việt Nam" trên sàn thương mại điện tử…

Nam Giang (TTXVN)
Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử
Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử

Chiều 26/3, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức lễ ra mắt chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN