Ông Marc-Henri Desportes, Phó Giám đốc điều hành của công ty xử lý các giao dịch và thanh toán Worldline (Pháp) đánh giá năm 2020 đã đẩy nhanh đáng kể tốc độ chuyển dịch sang hình thức mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử. Quá trình chuyển dịch thông thường phải mất 3 hoặc 5 năm thì giờ chỉ mất một năm.
“Bộ ba” Stripe (Mỹ), SumUp (Anh) và Pledg (Pháp) nằm trong số những công ty khởi nghiệp được hưởng lợi đáng kể từ sự chuyển dịch nhanh chóng này.
Được hai anh em trai người Ireland là Patrick Collison (32 tuổi) và John Collison (30 tuổi) thành lập vào năm 2011, Stripe đã vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành. Mức định giá của công ty có trụ sở tại California này tăng gần gấp 3 lần kể từ năm ngoái lên mức 95 tỷ USD trong tuần qua sau khi huy động được 600 triệu USD từ các nhà đầu tư. Mặc dù vậy, công ty khởi nghiệp này vẫn chưa thể bắt kịp được những đối thủ mạnh có trị giá trên 300 tỷ USD như Mastercard.
Hôm 16/3, công ty SumUp, chuyên cung cấp các dịch vụ trực tuyến và các thiết bị phục vụ thanh toán thẻ, gọi được 750 triệu euro từ các nhà đầu tư. Trong khi đó, công ty Pedge có trụ sở tại Paris chuyên về dịch vụ thanh toán trả góp, huy động được 80 triệu euro.
Theo nghiên cứu do công ty tư vấn Accenture công bố năm ngoái, doanh thu thanh toán toàn cầu có thể tăng thêm 500 tỷ USD trong những năm tới và đạt mốc 2.000 tỷ USD năm 2025. Những tên tuổi lớn nhất trong ngành phải kể đến bao gồm các công ty PayPal, Apple Pay và Visa đều của Mỹ cùng với WeChat Pay và Alipay đều của Trung Quốc. Ngoài ra, những tên tuổi khác đang nổi lên như Square (Mỹ) và Adyen (Hà Lan).
Giám đốc nghiên cứu dịch vụ tài chính của hãng thăm dò và dữ liệu YouGov, ông Matt Palframan nhận định sự định giá gần đây của Stripe có lẽ là tín hiệu cho thấy COVID-19 là lực đẩy khiến những công ty công nghệ tài chính (fintech) dễ thành công hơn trong cuộc chiến tranh giành thị phần. Tuy nhiên, ông Palframan đặt câu hỏi quan trọng đối với những công ty này: Liệu sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng có lâu dài, cũng như liệu khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19, người tiêu dùng có trở lại với thói quen sinh hoạt như trước thời đại dịch hay không.