Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra vận hành xả lũ của các hồ thủy điện tại khu vực miền Trung từ ngày 13/10 đến ngày 16/10.
Theo Bộ Công Thương, hồ chứa thủy điện Hố Hô có dung tích điều tiết nhỏ, khoảng 6 triệu m3, không có khả năng để cắt lũ cho hạ du, đặc biệt khi lũ về hồ nhanh, lưu lượng tăng từ 550 m3/s đến 1843 m3/s (tần suất lũ 5-6%; chu kỳ 5-6 lần trong 100 năm) trong thời gian chỉ có 3 giờ 30 phút.
Ngoài ra, diện tích lưu vực đến đập công trình thủy điện Hố Hô chỉ là 278,6 km2 trong tổng diện tích lưu vực tới ngã 3 sông Ngàn Sâu và sông Tiêm là 830 km2 (khoảng 33,5%). Diện tích lưu vực khu giữa từ đập Hố Hô tới ngã 3 sông Ngàn Sâu và sông Tiêm là 551,3 km2 (khoảng 66,5%). Vì vậy, việc ngập lụt ở hạ du còn do nước về từ lưu vực còn lại.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc tại Nhà máy Thủy điện Hố Hô. Ảnh: TTXVN |
Việc vận hành xả lũ của hồ chứa Hố Hô trong tình huống khẩn cấp với lưu lượng lớn hơn so với lưu lượng tự nhiên (lượng nước xả lớn hơn trung bình khoảng 192 m3/s) từ 17h30 ngày 14/10/2006 đến 02h00 ngày 15/10/2006 tuy có ảnh hưởng nhất định tới việc lũ về ở hạ du nhưng là phù hợp với Khoản 2 Điều 16 của Quy trình vận hành hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đập.
"Trường hợp không mở hoàn toàn cửa van tràn, mưa lớn tiếp tục kéo dài, sạt trượt làm trạm diesel và trạm phân phối điện bị tê liệt, mực nước trong hồ dâng cao tràn qua, gây vỡ đập thì thiệt hại cho khu vực hạ du sẽ vô cùng lớn", báo cáo của Bộ Công Thương nêu.
Bộ Công Thương cũng đã đánh giá sự tuân thủ các quy định vận hành và phương án phòng chống lụt bão của Nhà máy thủy điện Hố Hô. Đánh giá chung: Nhà máy đã thực hiện các nội dung quy định về công tác phòng chống lụt bão, tuy nhiên có một số hạn chế, cụ thể như:
Việc kiểm tra các hạng mục công trình trước mùa mưa lũ chưa được chi tiết, chủ yếu kiểm tra bằng trực quan nên chưa lường được các tình huống mất an toàn có thể xảy ra trong mùa mưa bão (như sạt trượt mái đào vai đập, sạt lở đường vận hành nhà máy dẫn đến phương tiện cơ giới không vào được, hư hỏng đường lên đập). Việc xây dựng phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập chưa rà soát hết các tình huống có thể xảy ra gây mất an toàn cho công trình như việc sạt lở mái đào vai phải đập đã xảy ra trong đợt mưa lũ vừa qua, dẫn đến việc xử lý bị động.
Nội dung phương án phòng chống lụt bão vùng hạ du đã đưa ra các tình huống, tuy nhiên chưa quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các đơn vị tham gia ứng phó như Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, xã, các tổ chức liên quan trên địa bàn; chưa quy định rõ chế độ thông tin, báo cáo.
Trong năm 2016, chưa phối hợp diễn tập phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập. Chủ đập đã nộp 50 triệu đồng vào Ban Chỉ huy quân sự huyện Hương Khê để hỗ trợ kinh phí diễn tập di dời, sơ tán nhân dân và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên sông vùng hạ du năm 2016 nhưng huyện chưa tổ chức thực hiện được. Ngay sau đợt lũ, Công ty chưa phối hợp với địa phương kiểm tra, đánh giá thiệt hại vùng hạ du.
Về việc thực hiện quy định tại Quy trình vận hành hồ chứa, đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương chưa nhận được các kiến nghị điều chỉnh Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Hố Hô của UBND tỉnh liên quan và Chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hố Hô. Về cơ bản, việc vận hành công trình thủy điện Hố Hô trong thời gian mưa lũ vừa qua là phù hợp với các nguyên tắc chính trong Quy trình vận hành.
Tuy nhiên, có một số nội dung chưa được nhà máy tuân thủ theo quy định, cụ thể như sau: Việc vận hành xả nước trước lũ và hạ thấp mực nước hồ để đón lũ trong thời điểm đầu trận lũ (từ 20h20 ngày 13/10 đến 06h00 ngày 14/10, khi hạ du chưa có lũ) và có thông báo cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh lúc 20h20 ngày 13/10 là đúng với quy định nhưng chưa đầy đủ nội dung.
Chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo trong tình huống bất thường hoặc sự cố: Chưa báo cáo đầy đủ về Bộ Công Thương, UBND các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, Sở Công Thương các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình. Chưa thực hiện đúng quy định về phương thức thông tin, báo cáo vận hành theo quy định tại Điều 21 của Quy trình vận hành.
Liên quan đến trách nhiệm các bên, Bộ Công Thương kết luận:
- Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn (Chủ đập thủy điện Hố Hô): Chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định tại quy trình vận hành về trách nhiệm thông tin, báo cáo; Thông báo gửi đến các cơ quan liên quan chưa đầy đủ nội dung, chưa phù hợp với tình huống vận hành công trình; Việc kiểm tra các hạng mục công trình trước mùa mưa lũ chưa chi tiết và khả thi; chưa đánh giá được các tình huống mất an toàn có thể xảy ra trong mùa mưa bão (như sạt vai đập, sạt lở đường vận hành vào nhà máy phương tiện cơ giới không vào được, hư hỏng đường lên đập)...
- Chính quyền địa phương khu vực công trình và hạ du: Chưa tổ chức diễn tập di dời, sơ tán nhân dân và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên sông thuộc hạ du thủy điện Hố Hô năm 2016; Phê duyệt phương án phòng chống lụt bão vùng hạ du công trình chưa quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các đơn vị tham gia ứng phó; chưa quy định rõ chế độ thông tin, báo cáo.
Bộ Công Thương kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đánh giá, rà soát phương án chỉ huy, thực hiện công tác phòng, chống lũ lụt vùng hạ du công trình thủy điện Hố Hô đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế về chế độ mưa lũ, năng lực các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, tình hình dân cư và khả năng chủ động ứng phó với thiên tai của địa phương và công tác phối hợp với nhà máy thủy điện và các cấp ở địa phương; tổ chức khắc phục hậu quả do lũ lụt, bảo đảm điều kiện sinh sống và làm việc của người dân bị ảnh hưởng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn trong việc quản lý vận hành, tuân thủ các quy định của Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và chấp hành các quy định của pháp luật về nguyên nước; thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt nếu tái phạm; chỉ đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn có biện pháp khắc phục đầy đủ các tồn tại, hạn chế đã nêu trên và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước. Trường hợp Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn tái phạm, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt theo quy định, đồng thời, gửi Bộ Công Thương để xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.
Phía Bộ Công Thương sẽ xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn trong lĩnh vực an toàn đập. Trường hợp tái phạm sẽ xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn các chủ đập thực hiện công tác quản lý an toàn đập, công tác vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đối với hồ chứa thủy lợi trên khu vực miền Trung: thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành liên hồ chứa và Quy trình vận hành đơn hồ thủy lợi đã được các cấp phê duyệt; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, nghiên cứu xem xét điều chỉnh, bổ sung nội dung quy trình vận hành, trình cấp thẩm quyền thẩm định phê duyệt theo quy định; chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan bổ sung, điều chỉnh Nghị định 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập trình Chính phủ sớm ban hành.