Sau khi Thông tấn xã Việt Nam phát loạt bài về: “Xâm nhập mặn bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã phân tích cặn kẽ dưới góc nhìn của nhà khoa học về việc thực hiện giải pháp như thế nào cho hiệu quả, đánh giá tính khả thi và bất khả thi của từng giải pháp.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xây dựng hồ chứa nước ngọt, cũng như các công trình điều tiết nước hiện đang được xem là giải pháp mang lại hiệu quả trước mắt về thích ứng với xâm nhập mặn hiện nay, song giải pháp này có ưu, nhược điểm trong thời gian lâu dài tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Quá trình xây dựng hồ chứa nước ngọt vốn phát huy hiệu quả tức thời, giúp ích nhiều cho người dân và hoạt động sản xuất trước mắt tại Đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm cả tỉnh Bến Tre) mỗi khi xâm nhập mặn diễn ra. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ nên xây dựng các hồ phân tán, cục bộ cho từng vùng thiếu nước ngọt với những mục tiêu thiết yếu (ưu tiên nhất là nước sinh hoạt, hoạt động sản xuất sinh lợi lớn). Đặc biệt, các vùng ven biển, xa nguồn nước ngọt, các hồ này cần được khuyến khích xây dựng nhằm góp phần hạn chế khai thác nước ngầm (gây hậu quả lún sụt và ngập diện rộng), phát triển bền vững các vùng nông thôn.
Tuy vậy, quá trình xây dựng hồ chứa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần phải phân tích vị trí, đánh giá tác động nhiều yếu tố, nhất là chiều sâu đào hồ, giải pháp xử lý tại các vùng đất bị nhiễm chua phèn tiềm tàng; nguồn nước cấp cho hồ phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ. Xét trong cả thời gian dài vận hành, những hồ thiết kế hợp lý sẽ có hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của việc xây dựng các hồ chứa phân tán ở Bến Tre và các tỉnh ven biển khác ở Đồng bằng sông Cửu Long chính là quỹ đất và nguồn kinh phí để xây dựng công trình theo đúng lộ trình đề ra.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Hoằng lý giải rằng việc xây dựng các hồ chứa nước ngọt sẽ chiếm một diện tích lớn trong việc sử dụng đất ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nơi mà vấn đề phát triển bền vững luôn gắn bó chặt chẽ với nước. Do điều kiện, vị trí nên nguồn nước, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động chi phối chính yếu bởi các yếu tố bên ngoài như thượng lưu sông Mê Kông và biển. Để giải quyết các vấn đề liên quan đến nước, các công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng trong nhiều năm qua cùng với các giải pháp quản lý, điều hành nhằm phát huy hiệu quả trong phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn.
Điển hình như mùa khô năm 2015 - 2016, xâm nhập mặn đã gây ra thiệt hại tới 405.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới việc cấp nước sinh hoạt cho 210.000 hộ dân. Đến mùa khô năm 2019 - 2020, xâm nhập mặn còn nghiêm trọng hơn so với mùa khô năm 2015 - 2016, nhưng diện tích gieo trồng bị thiệt hại chỉ bằng khoảng 20,9% (tương ứng 74.000 ha), số hộ dân thiếu nước sinh hoạt chỉ khoảng 46% (96.000 hộ) so với năm 2015 - 2016.
Đối với mùa khô năm 2023 - 2024, xâm nhập mặn được đánh giá ít nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2015 - 2016, 2019 - 2020, nhưng thuộc nhóm năm thủy văn ít nước, xâm nhập mặn sâu, cao hơn trung bình nhiều năm.
Đến thời điểm hiện tại (ngày 25/3/2024), tình hình thiếu nước ngọt cho sản xuất và dân sinh chưa xảy ra trên diện rộng. Thiệt hại do xâm nhập mặn chưa được ghi nhận; ngoài trừ tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra thiệt hại khoảng 31 ha lúa, do xuống giống ngoài kế hoạch, không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên ngành.
Bến Tre là một trong những điển hình địa phương nổi bật ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện hiệu quả mô hình trữ nước giúp tuần hoàn nước thích ứng xâm nhập mặn. Theo đó, tỉnh đã chủ động xây dựng nhiều hồ trữ nước ngọt trong mùa mưa để cung cấp trong mùa khô như Kênh Lấp và Lạc Địa tại huyện Ba Tri.
Đánh giá về hiệu quả của hai hồ nước này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Hoằng cho biết: Đối với việc xây dựng hồ chứa nước ngọt, đây là một giải pháp tốt để giải quyết vấn đề thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô. Tỉnh Bến Tre đã xây dựng hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp có dung tích gần 1 triệu m³, cung cấp nước sinh hoạt cho 200.000 dân thuộc huyện Ba Tri. Kể từ khi công trình đưa vào vận hành, hồ Kênh Lấp đã khẳng định được hiệu quả cấp nước trong các mùa mặn. Đây là nguồn nước sinh hoạt quý giá của người dân trong năm 2024 khi mà gần như 2/3 diện tích của tỉnh bị nước mặn duy trì cao từ ngày 10/2/2024 đến nay.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre cũng đã phê duyệt hồ chứa nước ngọt Lạc Địa (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri), có tổng dung tích khoảng 2,3 triệu m3 và được bố trí đầu tư trong kế hoạch trung hạn 2021-2025. Công trình được hy vọng có thể hoàn thành trong thời gian tới để đảm bảo mọi người dân huyện Ba Tri và phụ cận có thể tiếp cận được nguồn nước sạch không bị gián đoạn trong mùa hạn mặn.
Ngoài việc chủ động xây dựng các hồ chứa nước, trữ nước giúp tuần hoàn nước thích ứng xâm nhập mặn, mới đây tại cuộc họp chỉ đạo về thích ứng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã kiến nghị với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp giải pháp dẫn nước từ khu vực Đông Nam Bộ, cụ thể là sông Đồng Nai về khu vực Tây Nam Bộ để hỗ trợ cho khu vực này mùa hạn mặn.
Về giải pháp dẫn nước từ Đông Nam Bộ về Tây Nam Bộ, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Tiến sĩ Trần Bá Hoằng chia sẻ, vấn đề này đã được Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam phân tích và khẳng định đây là một giải pháp không khả thi.
“Vào mùa khô, nước ngọt đổ về Đồng bằng sông Cửu Long từ dòng sông Mê Kông. Tại trạm thủy văn Kratie (phía Bắc Campuchia) trên sông Mê Kông, lưu lượng bình quân 3 tháng là 2.600 m³/s, trong khi mùa khô lượng nước ngọt đổ về sông Sài Gòn từ hồ Dầu Tiếng bình quân chỉ có 36 m³/s. Về nguồn nước, xét về lượng thì nước của sông Sài Gòn rất nhỏ so với lượng nước đến Đồng bằng sông Cửu Long từ thượng lưu. Đó là chưa kể, nước trên lưu vực sông Mê Kông khi về đến Đồng bằng sông Cửu Long còn chảy ra biển nhiều, do vậy cần có công trình khai thác, điều tiết nguồn nước này hiệu quả hơn. Ngoài ra, nguồn nước nội tại ở Đồng bằng sẽ dễ khai thác hơn so với việc dẫn nước từ miền Đông Nam Bộ về Đồng bằng sông Cửu Long”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Hoằng cho biết.
Mặt khác, vùng Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế trọng điểm đã và đang phát triển với tốc độ nhanh, lượng nước cần cho phát triển các ngành kinh tế, môi trường là rất lớn, yêu cầu về an ninh nguồn nước rất cao. Hiện tại, vì thiếu nước cung cấp cho vùng kinh tế trọng điểm hạ lưu sông Sài Gòn nên đang phải chuyển nước từ Hồ Phước Hòa sang bổ sung. Như vậy, có thể nói là khu vực Đông Nam Bộ không phải là nơi thừa nước mà đang thiếu nước.
Hơn nữa, nếu chuyển nước về Bến Tre - một tỉnh vùng ven biển, giả định điểm xuất phát là sông Sài Gòn đoạn qua huyện Củ Chi - Thành phố Hồ Chí Minh, điểm cấp là vùng ven biển Bến Tre. Chiều dài tuyến chuyển nước ước tính khoảng 100 km, cắt qua hàng trăm con kênh, rạch. Với địa hình bằng phẳng, muốn chuyển được phải có các trạm bơm điều áp, dẫn tới chi phí cho việc chuyển này sẽ rất rất cao.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, đối với Bến Tre, để đảm bảo chủ động nguồn nước phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cần tiếp thực hiện các giải pháp căn cơ nhất là phải hoàn thiện khép kín hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre. Song song đó, tỉnh sớm hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội vùng nhằm tăng cường khả năng chuyển nước, tích trữ nước đa cấp, phân tán từ các hệ thống kênh đến các ao, mương vườn của người dân. Bên cạnh các giải pháp hoàn thiện hạ tầng công trình thủy lợi , tỉnh cần tiếp tục nâng cao các giải pháp quản lý thiên tai, khai thác hiệu quả nguồn nước, chặng hạn như thay đổi, điều chỉnh các mô hình sản xuất theo hướng ít sử dụng nước ngọt hơn, điều chỉnh mềm dẻo lịch sản xuất theo từng mùa, từng năm trong các vùng và tăng cường các giải pháp quản lý nước và sản xuất hiệu quả hơn.