Đây là phát biểu của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ kiêm nhiệm Đại Công quốc Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU), Nguyễn Văn Thảo, tại buổi làm việc ngày 22/11 với lãnh đạo tỉnh Antwerp và cảng Antwerp.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tại cuộc làm việc với Thống đốc tỉnh Antwerp, Cathy Berx, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đánh giá cao vai trò của Antwerp là "Thành phố thông minh đầu tiên của vùng Flamish” và tiên phong ở cấp độ châu Âu. Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, xây dựng đô thị hóa bền vững là một trong những ưu tiên chính của tăng trưởng xanh của Việt Nam. Ba thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã tham gia Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN. Chính vì vậy, Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm của Antwerp về sự phát triển của công nghiệp 4.0, logistics thông minh và thành phố thông minh, tiến tới kết nối trong tương lai giữa các thành phố của Việt Nam với Antwerp thông qua hình thức kết nghĩa giữa các thành phố.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước đang phát triển thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau như điện gió ngoài khơi và hydro để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, công ty DEME của vùng Flemish, chuyên về thị trường năng lượng ngoài khơi, các công trình môi trường và cơ sở hạ tầng hàng hải với hơn 140 năm kinh nghiệm, đã tham gia dự án đầu tư 3 tỷ USD vào dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây sẽ là trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam với công suất 1.000 MW.
Về phần mình, Thống đốc Cathy Berx nhắc lại chuyến thăm Việt Nam vào năm 2019 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai thành phố lớn nhất Việt Nam và khẳng định các địa phương của Việt Nam và Bỉ có rất nhiều cơ hội để hợp tác cùng phát triển, nhất là trong các lĩnh vực như thành phố thông minh, xây dựng đô thị xanh và phát triển bền vững. Bà Cathy Berx đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam và đề nghị lãnh đạo hai bên cùng tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và đang gây ra những gián đoạn trong các chuỗi cung ứng.
Làm việc với lãnh đạo cảng Antwerp, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020, hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường EU được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan, đặc biệt hàng nông sản và hải sản. Tuy nhiên, giá container tăng cao trong thời gian qua đã gây ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đại sứ hy vọng hợp tác với cảng Antwerp sẽ góp phần đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hóa đường biển từ Việt Nam sang châu Âu.
Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU thì hợp tác giữa cảng biển Việt Nam và cảng biển châu Âu, trong đó Antwerp là một cảng lớn sẽ hết sức thuận lợi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam trong quá trình xuất nhập khẩu. Không những thế, hợp tác giữa cảng Antwerp và các cảng Việt Nam sẽ phát huy lợi thế của một nước có hơn 3.000 km đường biển với nhiều cảng nước sâu nhằm có thể biến Việt Nam thành một điểm trung chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu. Đại sứ đánh giá cao và mong muốn cảng Antwerp tiếp tục duy trì các dự án đào tạo, tập huấn trong khuôn khổ chương trình của Trung tâm đào tạo cảng biển Antwerp (APEC) dành cho các đối tác Việt Nam.
Giám đốc cảng Antwerp, Kristof Watershoot đánh giá cao tiềm năng phát triển cảng biển của Việt Nam đồng thời bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy các dự án hợp tác tại Việt Nam về cơ sở hạ tầng cảng biển cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam. Hiện APEC vẫn duy trì việc cấp học bổng đào tạo hàng năm cho các cán bộ Việt Nam trong lĩnh vực giao thông đường biển và cảng biển cũng như hợp tác với các trường đào tạo nghề của Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải. Cho đến nay, APEC đã đào tạo được 300 cán bộ ngành hàng hải cho Việt Nam.
Ông Watershoot khẳng định với hơn 3.000 km bờ biển và nhiều cảng nước sâu, Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với cảng Antwerp để phát triển hợp tác trong lĩnh vực cảng biển và logistics. Hiện cảng Antwerp hướng đến ký kết thỏa thuận hợp tác với các cảng biển ở Việt Nam như cảng Hải Phòng hoặc cảng Vũng Tàu. Bên cạnh đó, cảng Antwerp mong muốn đón các đoàn Việt Nam sang thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm.
Còn theo ông Baron de Grand Ry, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Bỉ, nền kinh tế Việt Nam năng động, phát triển nhanh và có nhiều tiềm năng cùng với môi trường đầu tư ổn định, là những thế mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Bỉ.
Ông cho biết ông đang trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam nhằm xúc tiến thành lập Hiệp hội các nhà nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam để tăng cường việc đưa trái cây Việt Nam vào thị trường Bỉ bằng container lạnh qua hệ thống cảng biển Antwerp, sau đó phân phối sang các quốc gia châu Âu. Ông Baron de Grand Ry cho rằng ý tưởng này rất khả thi và có thể triển khai từ năm 2022.
Bỉ hiện có 78 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23 trong số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Bỉ tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực cảng biển, hạ tầng, hậu cần, bất động sản, cấp thoát nước và xử lý chất thải, chế biến và chế tạo, sản xuất và phân phối điện, nông lâm thủy sản.