Tiền Giang đã ban hành Bộ tiêu chí tạm thời về việc thẩm định, công nhận và kiểm tra sau công nhận phương án “3 tại chỗ” đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16-CT/Ttg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng đó, thành lập các Tổ thẩm định, Tổ kiểm tra, giám sát sau công nhận một cách chặt chẽ đối với các doanh nghiệp “3 tại chỗ” .
Các doanh nghiệp bảo đảm xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 định kỳ hàng tuần cho người lao động làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Riêng đối tượng có nguy cơ cao như bảo vệ, nhân viên giao dịch ngân hàng…, ngoài xét nghiệm hàng tuần còn phải thực hiện test nhanh từ 2-3 lần/tuần.
Ngoài ra, định kỳ hàng tuần, UBND tỉnh đối thoại với doanh nghiệp “3 tại chỗ” để lắng nghe, động viên, chia sẻ, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, tỉnh có hướng dẫn xử lý tình huống khi gặp trường hợp nghi nhiễm hoặc mắc COVID-19; không để lây lan làm hỏng phương án “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, hiện tỉnh có 12 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và 10 doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp được phê duyệt phương án hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” với trên 3.600 lao động. Doanh nghiệp “3 tại chỗ” quy mô lớn nhất là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Đức ở Cụm công nghiệp Song Thuận, huyện Châu Thành với 1.105 lao động và nhỏ nhất là Công ty cổ phần In Tiền Giang với 17 lao động.
Thời gian hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” bắt đầu từ ngày 5/8/2021. Sau hơn 1 tháng hoạt động, các doanh nghiệp “3 tại chỗ” không phát sinh trường hợp nghi nhiễm COVID-19; đồng thời, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần đi vào ổn định.
Thực tế cho thấy, hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, doanh nghiệp không chỉ an toàn phòng, chống dịch, bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động mà còn tạo gắn kết giữa doanh nghiệp với đối tác, người sản xuất, nông dân trong tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu.
Mặt khác, doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện các đơn hàng đã ký kết, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, chế biến và xuất khẩu hàng hóa. Điều này góp phần duy trì và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội - ông Phạm Văn Trọng khẳng định.
Tiền Giang đã qua hai giai đoạn triển khai phương án “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Trong giai đoạn I từ ngày 15/7/2021 đến ngày 5/8/2021, có 71 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp với 12.500 lao động và 41 doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp với 5.437 lao động được phê duyệt hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”.
Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan, sơ suất, thiếu chặt chẽ... khiến phát sinh các ổ dịch tại 6 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” nên UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định tạm dừng, chấn chỉnh, rà soát và siết chặt quản lý.
Sau khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống COVID-19, Tiền Giang tiếp tục triển khai giai đoạn II phương án “3 tại chỗ” đối với doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp với những quy định và biện pháp chặt chẽ, nghiêm ngặt để tránh tái diễn tình trạng bùng phát dịch như giai đoạn I.
Tỉnh Tiền Giang hiện có 186 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, thu hút gần 110.000 lao động. Trên cơ sở các kết quả thực tiễn và kinh nghiệm đúc kết được, thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục xem xét, thẩm định và phê duyệt để có thêm nhiều doanh nghiệp được duy trì sản xuất, kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ”.