Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khu vực hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng, có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GDP. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh, hàng năm đóng góp khoảng 30% vào GDP và tạo ra hàng triệu việc làm cho xã hội.
Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh gồm 5 chương với 47 điều quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh và hoạt động của hộ kinh doanh. Một trong những điểm mới cơ bản tại Dự thảo Nghị định là cho phép việc đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện theo một trong các phương thức là: đăng ký trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, đăng ký qua dịch vụ bưu chính và đăng ký qua mạng thông tin điện tử. Dự thảo cũng củng cố quy định về cơ chế ủy quyền khi thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Cục trưởng Phùng Quốc Chí nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị định nhằm mục đích tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; quy định rõ ràng hơn về đăng ký hộ kinh doanh, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.
Nghị định cũng tiếp tục cải cách, hoàn thiện thêm một bước khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh để nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký hộ kinh doanh, tạo sự thuận lợi cho người dân hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Gulmira Asanbaeva, Quyền Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam cho hay, hộ kinh doanh là một khu vực quan trọng, đóng góp đáng kể cho GDP và đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, khu vực hộ kinh doanh vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn một số tồn tại, hạn chế về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.
Do đó, việc xây dựng Nghị định này cũng là giải pháp hoàn thiện khuôn khổ và chính sách về hộ kinh doanh; thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo nền tảng chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hộ kinh doanh, cải thiện mức sống, tạo việc làm, phát triển công bằng.
Theo ông Kevin Sergeant, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, khung pháp lý hiện hành chưa chính thức công nhận hộ kinh doanh là tổ chức kinh tế. Hộ kinh doanh là mô hình kinh tế đặc thủ chỉ riêng Việt Nam mới có. Các quốc gia như Mỹ, Brazil hay một quốc gia Đông Nam Á khác là Philippines dùng mô hình doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp cá nhân. Đây là những hình thức kinh doanh đơn giản nhất và chỉ dùng một chính sách thuế duy nhất gọi là "monotax" để đơn giản hóa quá trình vận hành của doanh nghiệp.
“Tên gọi hay hình thức không quan trọng. Vấn đề là làm sao có cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi thành phần này sang khu vực chính thức. Vì trong tương lai, hộ gia đình có thể phát triển thành quy mô lớn hơn như công ty hợp danh, công ty cổ phần…. Vậy, cần phải có chính sách phát triển doanh nghiệp quy mô lớn hơn, tạo nhiều việc làm hơn cho nền kinh tế”, ông Kevin Sergeant chia sẻ.
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật đề xuất, không cần thiết phải định nghĩa hộ kinh doanh vì hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế trong việc xác định rõ nội hàm về hộ kinh doanh. Bởi, trên thực tế, các hộ phi nông nghiệp tổ chức hoạt động buôn bán, sản xuất thủ công… để duy trì sinh kế. Việc lựa chọn mô hình kinh doanh cả cá nhân và các thành viên hộ kinh doanh là khá phổ biến.
Về góc độ quản lý thuế, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan thuế định danh theo một cá nhân chứ không theo hộ gia đình, tất cả quyền lợi và trách nhiệm cũng đều quy về cá nhân. Tuy nhiên, với các vấn đề về bảo hiểm, quyền lợi của người lao động, tiền lương, tiền công… các hộ nhận là hộ kinh doanh, không chia tiền lương, tiền công cụ thể nên từ chối thực hiện các nghĩa vụ bảo hiểm. Đối với ngành nghề đăng ký kinh doanh, bà Tạ Thị Phương Lan bày tỏ, Nghị định cho các hộ gia đình đăng ký đủ nếu họ kinh doanh các lĩnh vực khác nhau, còn nếu chỉ đăng ký kinh doanh với ngành nghề chính thì sẽ dần đến sai lệch.
Cục trưởng Phùng Quốc Chí cho biết, để đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng ký hộ kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định hộ kinh doanh với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, hộ gia đình khi gia nhập thị trường, trong quá trình hoạt động cũng như khi rút lui khỏi thị trường…