Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh xăng dầu để thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn và đảm bảo nguồn cung tốt hơn; phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) để ngày càng hoàn thiện hơn công tác quản lý, điều hành thị trường xăng dầu.
Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, đánh giá, xem xét sửa đổi các quy định về thuế, nghiên cứu quy định thuế bảo vệ môi trường cho riêng xăng sinh học E5, E10, phù hợp với mức phát thải ra môi trường.
Cùng với đó, Bộ Công Thương, các tổ chức, cơ quan tăng cường tuyên truyền về mặt hàng xăng E5RON92 nhằm khuyến khích người dân sử dụng để bảo vệ môi trường.
Đánh giá về Nghị định 83, báo cáo cho hay, từ khi Nghị định có hiệu lực đến nay, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, giá xăng dầu trong nước được Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành linh hoạt.
Từ đó, kịp thời, đảm bảo hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật. Nhà nước không phải dùng ngân sách để điều tiết, bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Ngoài ra, việc điều hành kinh doanh xăng dầu cũng đã được công khai, minh bạch trên các trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia đều có thể tìm hiểu, theo dõi và giám sát.
An ninh năng lượng quốc gia được đảm bảo; nguồn cung xăng dầu đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của nhân dân. Quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu tại Nghị định 83 cũng tạo điều kiện cho các thương nhân đủ năng lực tham gia kinh doanh, cung ứng xăng dầu.
Nếu như năm 2010 chỉ có 10 thương nhân đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thì hiện nay đã có 30 thương nhân đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cùng hơn 200 thương nhân phân phối xăng dầu tham gia thị trường xăng dầu.
Nhờ đó, bước đầu đã có sự cạnh tranh về giá xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng được hưởng lợi, lựa chọn mua xăng dầu với các mức giá phù hợp.
Vừa qua, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam có đề xuất xem xét bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, xăng dầu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13.
Do vậy, về nguyên tắc, giá bán xăng dầu trong nước phải được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước. Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước nhằm hài hoà lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.
Vì vậy, nếu bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng tăng. Giá dầu thô WTI ở mức 62,87 USD/thùng (ngày 16/5), tăng khoảng 35,1% so với đầu năm 2019 (02/01); dầu thô Brent ở mức 72,62 USD/thùng (ngày 16/5), tăng khoảng 32,3% so với đầu năm 2019 (ngày 02/01).
Trên thị trường Singapore, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu hiện nay (ngày 16/5) tăng từ 30,6 - 46,2% so với đầu năm.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay đã trải qua 9 kỳ điều hành; trong đó, có 4 lần tăng giá, 1 lần giảm giá và 4 lần giữ ổn định giá…