Trước việc giá gas tăng kỷ lục từ 70.000 - 80.000 đồng/bình 12 kg, mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2012, đại diện Bộ Công Thương cho rằng: Việc Hiệp hội Gas Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG) từ 5% xuống còn 0% là hợp lý để chia sẻ khó khăn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần phải siết chặt hệ thống kênh phân phối, giảm bớt chi phí để mặt hàng gas đến tay người tiêu dùng ở mức giá hợp lý.
Mức tăng thế nào là hợp lý?
Thị trường gas trong 11 tháng năm 2013 được đánh giá khá bình yên với mức giá trồi sụt đan xen. Theo Bộ Tài chính, mức tăng cao nhất vào đầu tháng 11/2013 là 18.000 đồng/bình, nâng giá gas bán lẻ phổ biến khoảng 400.000 - 410.000 đồng/bình. Tuy nhiên, do giá gas trên thị trường thế giới từ đầu tháng 12/2013 bất ngờ tăng lên mức trên 1.162,5 USD/tấn, tăng khoảng 267,5 USD/tấn so với đầu tháng 11/2013 (mức giá cao nhất trong vòng 15 tháng qua) nên từ ngày 1/12, giá bán lẻ gas trong nước sẽ được các đơn vị cung cấp gas điều chỉnh tăng từ 70.000 - 80.000 đồng/bình 12 kg.
Bán lẻ gas Saigon Petro trên đường Cách mạng tháng 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ảnh:Thanh Vũ - TTXVN |
Lý giải mức tăng quá cao này, một số hãng gas có uy tín tại Việt Nam cho rằng: Doanh nghiệp đã điều chỉnh giá gas theo đúng biên độ cho phép, theo đà tăng của giá gas trên thế giới. Bởi hiện nay, thị trường gas ở Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào nguồn gas nhập khẩu rất lớn. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tổng nhu cầu sử dụng LPG trong nước 15 ngày đầu tháng 11/2013 (khoảng 55.000 tấn). Trong khi đó, nguồn cung LPG từ sản xuất trong nước của Nhà máy Dinh Cố và Dung Quất ước khoảng 30.000 tấn, còn lại phải nhập khẩu khoảng 25.000 tấn.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho biết: Giá gas trên thị trường thế giới tại thời điểm hiện nay tăng khoảng 274 USD/tấn so với hồi đầu tháng 11/2013. Với mức giá tăng mới này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng đã tăng mạnh và được bán ở mức giá 480.000 - 510.000 đồng/bình 12 kg (tùy từng thương hiệu gas). “Trong khi đó, thị phần gas sản xuất trong nước đang chiếm khoảng 57,%, còn lại là nhập khẩu, tính trung bình mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu khoảng 52.160 tấn gas để bù vào nguồn cung thiếu hụt”, ông Quyền nói.
Tuy nhiên, trái với giải thích của các cơ quan chức năng về việc tăng theo giá thế giới, nhiều ý kiến không đồng tình về việc tăng giá quá cao. “Do giá gas ở Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi giá thế giới nên khi giá nhập khẩu tăng thì giá bán lẻ tăng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là khi giá gas thế giới tăng thì giá bán lẻ trong nước tăng theo với mức nào là hợp lý?”, chuyên gia kinh tế Ngô Tri Long băn khoăn.
Có ý kiến cho rằng: Hiện mức chênh lệch quá lớn giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ trong nước từ 125.000 - 155.000 đồng/bình 12 kg như hiện nay là khó chấp nhận. Cách tính chi phí kinh doanh quá cao, không hợp lý cũng như khâu trung gian được hưởng lợi lớn gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong khi đó, Bộ Tài chính chỉ kiểm soát giá gas thông qua đăng ký giá của DN. Giá gas tăng mạnh là do các DN và đại lý không chia sẻ với người tiêu dùng, luôn giữ mức lợi nhuận tới 30%.
Kiểm soát từ nhập khẩu đến phân phối
“Nếu đề xuất giảm thuế nhập khẩu được thông qua, gas sẽ giảm được khoảng 17.000 đồng/bình”. Ông Nguyễn Sỹ Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam |
Ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nói: “Cần có biện pháp để hạn chế lợi dụng việc gas thực hiện cơ chế thị trường để thao túng giá gas; kiểm tra các yếu tố hình thành giá của các doanh nghiệp đầu mối để phát hiện vi phạm. Cơ quan quản lý thị trường tiếp tục tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh gas”. Đặc biệt, sắp tới, Nghị định 177 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá sẽ là công cụ hữu hiệu để quản lý mặt hàng gas.
Đề cập tới vấn đề này, một cán bộ của Bộ Tài chính chia sẻ: Giá gas được các DN điều chỉnh vừa qua đã theo đúng biên độ nhưng Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tính toán lại các yếu tố cấu thành của giá gas bởi mức tăng vừa qua là quá cao, ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Trong khi đó, từ nay tới cuối năm, giá gas thế giới dự kiến tiếp tục tăng mạnh, nếu không có giải pháp thị trường gas trong nước sẽ biến động.
Tại buổi giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương ngày 2/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: Giá gas trong nước điều chỉnh là do biến động của giá gas thế giới nhưng các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm soát giá gas trong nước tại hệ thống phân phối, giảm khâu trung gian để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện nay, hệ thống phân phối gas ở Việt Nam qua rất nhiều khâu trung gian nên giá cả tới tay người tiêu dùng bị đội lên rất nhiều. Vì vậy, ngoài yếu tố bất khả kháng là đầu vào tăng thì Vụ Thị trường trong nước phải làm việc với Bộ Tài chính và Cục Quản lý thị trường để kiểm soát chặt giá phân phối, đảm bảo mức giá hợp lý đến tay người tiêu dùng.
Minh Phương