Nhiều mô hình hiệu quảCông ty trang trại Bảo Châu, tại thị trấn Sóc Sơn (Hà Nội) tham gia vào chuỗi liên kết các trang trại và hộ nông dân chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAHP từ năm 2013. Đến nay, Bảo Châu đã xây dựng được hệ thống chuồng trại sạch, đạt tiêu chuẩn chăn nuôi theo công nghệ vi sinh Nhật Bản. Trung bình mỗi tháng, trang trại Bảo Châu xuất chuồng khoảng 500 con lợn, cung cấp cho trên 30 đại lý tại TP Hồ Chí Minh và 20 đại lý tại Hà Nội.
Thay thế đàn bò cỏ sang bò lai để nâng cao năng suất. Ảnh: Vĩnh Trọng/TTXVN |
Ông Nguyễn Đại Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trang trại Bảo Châu chia sẻ, trang trại thực hiện chu trình khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ. Sản phẩm luôn đảm bảo tiêu chí an toàn và sạch. Việc chăn nuôi theo mô hình khép kín giúp doanh nghiệp kiểm soát được quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí và tự chủ được đầu ra cho sản phẩm.
“Tại Singapore, 1 kg thịt lợn nuôi theo công nghiệp sinh học được bán với giá xấp xỉ 40 USD/kg, đắt hơn nhiều so với giá 200.000 đồng/kg cho loại sản phẩm ngon nhất mà chúng tôi cung cấp cho thị trường trong nước. Với giá này, rõ ràng người tiêu dùng có thể chấp nhận được”, ông Thắng nói.
Còn tại Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), việc kinh doanh và sản xuất được thực hiện theo chuỗi liên kết giữa 50 trang trại lợn và 40 trang trại gà theo mô hình khép kín từ cung cấp thức ăn đến thu mua sản phẩm, với tinh thần hợp tác và chia sẻ lợi nhuận của người chăn nuôi và các chủ trang trại. Giám đốc hợp tác xã Trần Văn Chiến cho biết, các trang trại tham gia vào mô hình này đều hài lòng và đánh giá đây là mô hình phù hợp, có đủ cơ sở điều kiện để duy trì lâu dài và hiệu quả.
Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang chủ trì và quản lý 7 dự án chăn nuôi an toàn sinh học và áp dụng công nghệ VietGAHP trên vật nuôi. Đây được xem là mô hình công nghệ khép kín theo liên kết chuỗi đảm bảo các yếu tố sản xuất sạch, chi phí thấp và tạo đầu ra cho nông nghiệp. Sau 3 năm thực hiện, VietGAHP đã được phổ cập và áp dụng rộng rãi tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Khu vực miền Bắc đã có hơn 7.000 hộ chăn nuôi được tham gia mô hình. Các hộ này còn được hướng dẫn cách ghi sổ tay chăn nuôi, quản lý việc sử dụng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi…
Gỡ “nút thắt” bao tiêu sản phẩmÔng Đinh Xuân Thủy, chủ trang trại chăn nuôi Xuân Thủy, xã Hồng Quang, huyện Mỹ Hòa, Hà Nội phân tích, mặc dù Hợp tác xã phân cho nuôi tổng cộng 50.000 con lợn theo công nghệ sinh học, nhưng cho tới nay, ông mới chỉ dám nuôi 1.000 con. Lý do vì lượng thu mua lợn sạch tại các lò mổ cũng như đơn vị phân phối còn thấp và chưa đáp ứng được lượng cung theo kế hoạch.
Ông Thủy cho rằng, không dễ tìm đầu ra cho sản phẩm sạch, đặc biệt khi giá thành của sản phẩm loại này luôn cao hơn sản phẩm công nghiệp từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Chăn nuôi theo công nghệ sạch thì đủ điều kiện đáp ứng, nhưng khó là nuôi rồi mà đầu ra lại chưa nhiều.
Thừa nhận đầu ra là một trong những vướng mắc lớn nhất của hệ thống chăn nuôi theo mô hình sạch, ông Nguyễn Đại Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty trang trại Bảo Châu cho hay, công ty phải chủ động xây dựng hệ thống phân phối của riêng mình để vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng và giết mổ, vừa chủ động đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, thịt lợn của Bảo Châu mới giữ vững được thương hiệu và tạo uy tín trên thị trường.
Thực tế cho thấy, rất khó để có thể nhận diện một cách chính xác đâu là thịt lợn an toàn và đâu là thịt lợn nuôi công nghiệp. Lợn an toàn thường không có mẫu mã bắt mắt, tỷ lệ mỡ/nạc lớn. Hơn nữa, giá thành loại thịt lợn này lại thường cao hơn lợn thường. Do đó, rất khó để có thể thuyết phục được người tiêu dùng lựa chọn mua thịt an toàn. Thương lái thường chạy theo lợi nhuận nên cũng ưa thích thu mua sản phẩm lợn nuôi công nghiệp hơn là các sản phẩm "sạch".
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, Nhà nước cần có chính sách cụ thể về xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, những chính sách vay vốn ưu đãi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho việc hình thành các chuỗi liên kết quy mô lớn cũng cần được chú trọng hơn.
Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân khẳng định, Cục Chăn nuôi sẽ sớm tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các chính sách cụ thể, nhằm đẩy mạnh quản lý và tạo thị trường cho các chuỗi liên kết sản xuất. Theo Cục trưởng, để giải quyết vướng mắc cho khâu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo công nghệ sạch, cần chú trọng tới khâu tuyên truyền và thay đổi nhận thức tiêu dùng sản phẩm của người dân, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết các sản phẩm sạch, góp phần nói “không” với thực phẩm không an toàn.