Phát triển đường sắt đô thị là giải pháp cần thiết và khoa học trong việc giải bài toán hiệu quả về giao thông cũng như kinh tế.
Xây dựng đường sắt đô thị được xem là vấn đề khá mới ở Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh khó lường trước dẫn tới thi công chậm, kéo dài thời gian so với dự kiến; kinh phí đầu tư đội lên nhiều so với dự toán ban đầu. Khâu giải phóng mặt bằng, đền bù tiền đất, di dân cũng vướng mắc gây khiếu kiện.
Tuy nhiên, phát triển đường sắt đô thị vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong những năm tới nên Thành ủy, UBND, HĐND thành phố đã có nhiều văn bản, kết luận và quyết sách để thời gian tới thực thi một cách bài bản, khoa học và hiệu quả hơn.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện chủ trương chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, trong năm 2024 UBND thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường sắt đô thị, cũng như sớm nghiên cứu, triển khai những tuyến đường sắt nằm trong quy hoạch và kế hoạch. UBND thành phố đang tìm nhiều giải pháp, biện pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các tuyến đường sắt đô thị, cũng như những dự án sẽ được triển khai.
Thành phố đang nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo yêu cầu của Bộ Chính trị. Sau khi tổng hợp các kinh nghiệm quốc tế nhằm xây dựng hoàn thiện thể chế liên quan về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị. Từ đó, đẩy nhanh việc hoàn thiện đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội vào năm 2035 theo 5 lĩnh vực: quy hoạch; thu hồi đất giải phóng mặt bằng; huy động nguồn lực từ đất đai; tiêu chuẩn giải pháp công nghệ; mô hình tổ chức, quản lý thực hiện dự án.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 (Quy hoạch 519), mục tiêu của thành phố là sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị và mạng lưới các tuyến kết nối đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 417,8km; trong đó: 342,2km cầu cạn, cầu cạn kết hợp đi bằng và 75,6km đi ngầm.
Tuy nhiên, hiện thành phố Hà Nội đang tiếp tục tính toán để trình điều chỉnh quy hoạch bổ sung các tuyến đường sắt đô thị cho phù hợp với tình hình phát triển.
Tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội phiên cuối năm 2023, giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết hạ tầng giao thông của Thủ đô đang tụt hậu so với tốc độ phát triển. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, diện tích đất dành cho giao thông của thành phố mới đạt khoảng 10,35% diện tích đất đô thị (theo quy hoạch phải đạt từ 20-25%), tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chưa đạt 1% (theo quy hoạch là từ 3-4%), tỉ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 19,05% (theo quy hoạch là 50-55%). Tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm vẫn xảy ra ở nhiều khu vực; tình trạng thiếu chỗ đỗ xe, bãi đỗ xe khu vực các quận nội thành thiếu nghiêm trọng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố sẽ rà soát, đánh giá thực trạng quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư các dự án quan trọng, có tính chất kết nối, đường vành đai, đường hướng tâm… Đặc biệt, thành phố sẽ có đề án riêng để phát triển đường sắt đô thị. Đề án này sẽ được thành phố tập trung nghiên cứu để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.
Dự kiến trong tương lai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết khi làm đề án tổng thể 12 tuyến đường sắt đô thị thành phố mới có nguồn lực riêng để bảo đảm thực hiện. Hy vọng khi làm tổng thể 12 dự án đường sắt đô thị, 20 năm nữa những vấn đề bức xúc về giao thông đô thị sẽ được giải quyết.
Vì vậy, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm về giao thông, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai các dự án về hạ tầng giao thông. Đồng thời, bên cạnh phát triển giao thông công cộng, thành phố cũng sẽ nghiên cứu có giải pháp tổ chức giao thông phù hợp, ứng dụng giao thông thông minh… Thành phố sẽ xác định các dự án giao thông cấp thiết có điều kiện thuận lợi sẽ cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu nếu tiếp tục để chậm trễ.
Hiện nay, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được vận hành hiệu quả, từng bước tạo thói quen đi lại và thu hút nhiều người dân tham gia. Tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội đang được thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công.