Trước thực tế đó, Cà Mau đã tập trung triển khai hàng loạt các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, không chỉ hướng đến mục tiêu thích ứng mà còn xem đây là cơ hội đổi mới, phát triển đột phá.
Tháo nút thắt mô hình "hậu trình diễn"
Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai nhân rộng, một số sản phẩm chủ lực tiếp tục được nâng cao chất lượng và ngày càng phát triển trên thị trường. Từ các nguồn vốn, ngành nông nghiệp đã xây dựng được 39 mô hình trình diễn với tổng kinh phí thực hiện trên 28 tỷ đồng.
Điển hình, tại huyện Trần Văn Thời, năm qua đã thực hiện các mô hình: 2 vụ lúa - vụ cá đồng; 2 vụ lúa - 1 vụ màu; sản xuất lúa “bao lợi nhuận” của Tập đoàn Lộc Trời; 2 vụ lúa - 1 vụ cá bổi thâm canh. Các mô hình này được đánh giá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vùng đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bước đầu hiệu quả là vậy, nhưng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, từ thực tế triển khai còn nhiều mô hình khó nhân rộng, chỉ mới giải quyết được vấn đề chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tại thời điểm trình diễn. Trong khi đó, vấn đề quyết định nhất là phương án tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại cho nông dân khi sản xuất với quy mô và số lượng lớn thì chưa làm được. Bởi khi không có thị trường, việc nhân rộng các mô hình khi kết thúc nhiệm vụ trình diễn rất dễ rơi vào bế tắc.
Mặt khác, các chuyên gia cũng lo ngại, khi mô hình đã đủ sức lan toả thì sản lượng sẽ tăng, như thế rất có khả năng tình trạng cung vượt cầu sẽ diễn ra.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, sản xuất nhất thiết phải tính toán đến thị trường tiêu thụ để đảm bảo cán cân hàng hoá nông sản. Hạn chế thấp nhất tình trạng ùn ứ hàng hoá sau khi mô hình được nhân rộng. Ðiệp khúc “trồng - chặt” nhiều năm nay đã khiến nông dân không mặn mà với các mô hình mới khi triển khai nhân rộng.
“Ngành nông nghiệp đang cố gắng khắc phục hạn chế này, bằng mọi giá phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang sản xuất nông nghiệp đa giá trị. Mô hình có hiệu quả là một chuyện, còn thị trường tiêu thụ mới là mong mỏi lớn nhất đối với nông dân. Ðây cũng là một trong những hạn chế mà các địa phương cần khắc phục. Trong triển khai chỉ đạo sản xuất ở một số địa phương còn thiếu sự quyết liệt, chưa tập trung hết nguồn lực sẵn có và sự vào cuộc của các hội, đoàn thể; vẫn còn xem việc nhân rộng mô hình là nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị của cấp huyện, tỉnh”, ông Quân, nhận định.
Theo kế hoạch năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng tập trung đẩy mạnh các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (nhiều giai đoạn); nuôi hải sản, thuỷ sản ven biển; trồng rừng gỗ lớn để tăng giá trị; nuôi cá dưới tán rừng, phát triển du lịch cộng đồng; chăn nuôi xây dựng chuỗi an toàn dịch bệnh; vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, thuỷ sản, đặc biệt là con tôm.
Cụ thể, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng 50 mô hình sản xuất; trong đó, lĩnh vực thuỷ sản 21 mô hình/499,93 ha; trồng trọt 20 mô hình/4.134 ha; lâm nghiệp 1 mô hình/100 ha và chăn nuôi 8 mô hình/29.742 con.
Sản xuất phù hợp yêu cầu thị trường
Những năm gần đây, phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, là hướng đi lâu dài và bền vững. Hiện Cà Mau có gần 40.000 ha lúa sinh thái trên đất nuôi tôm đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận và có gần 800 ha lúa được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ trong nước và quốc tế; có trên 19.000 ha tôm - rừng được chứng nhận tôm sinh thái; xây dựng được trên 20.000 ha vùng lúa an toàn chất lượng cao; thực hiện trên 10 liên kết sản xuất và tiệu thụ lúa an toàn, lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị. Tỉnh cũng phát triển 8 nhãn hiệu gạo địa phương; trong đó có 2 nhãn hiệu gạo hữu cơ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Quân cho biết, trên cơ sở quy hoạch các vùng, tiểu vùng, tỉnh tiến hành bố trí lại sản xuất với cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả, bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu. Trong số đó, ưu tiên phát triển phát triển nông nghiệp hữu cơ để mang lại giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
Để phù hợp với yêu cầu thị trường, Cà Mau ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ để mang lại giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trước định hướng đó, nhiều hợp tác xã, hộ nông dân cũng thay đổi tư duy và hình thức sản xuất từ vô cơ sang sản xuất nông nghiệp xanh - sạch. Cách làm này, vừa hiệu quả, vừa đảm bảo nguồn nông sản chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không chứa nhiều tạp chất đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, đem lại nguồn lợi kinh tế cao.
Cà Mau đã sản xuất lúa hữu cơ với quy mô 795,5 ha tại các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và thành phố Cà Mau; trong đó, mô hình sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN trên diện tích 256,5 ha; mô hình sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế (USDA, EU, JAS) với diện tích 539 ha.
Sau thời gian áp dụng thực hiện, đến nay, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Thủy sản Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau đã có quy mô 50 ha lúa hữu cơ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn TCVN 11041:2017. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Thủy sản Ông Muộn Nguyễn Văn Tiếp cho biết, gạo chứng nhận VietGAP của Hợp tác xã đang dần tiếp cận được thị trường và ngày càng có nhiều biết đến, tin dùng.
Không chỉ phục vụ cho thị trường trong tỉnh, sản phẩm còn xuất bán tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đồng Tháp. Khách hàng sau khi sử dụng đánh giá cao về chất lượng và độ thơm ngon của gạo được trồng trên ao tôm Cà Mau. Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục hoàn thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm và liên kết cùng các hợp tác xã khác trong tỉnh, mở rộng thị trường.
Hiện ngành nông nghiệp tiếp tục ban hành quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng chủ lực của tỉnh; phát triển vùng nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 - 3 giai đoạn theo hướng hữu cơ, quy mô 50 ha/vùng; xây dựng vùng nguyên liệu thịt heo hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh tập trung nâng cao giá trị, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, địa phương chú trọng xây dựng đa dạng các chuỗi giá trị ngành hàng phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chuyển từ phát triển tập trung đơn ngành sang phát triển đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị.
Cà Mau hướng đến nền nông nghiệp xanh, hữu cơ, sinh thái và trọng tâm là sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh, yêu cầu từ thị trường. Cùng với việc phát huy lợi thế các sản phẩm chủ lực, tỉnh tiếp tục đổi mới tư duy quản lý từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tập trung phát triển sản lượng sang chú trọng chất lượng, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia, vừa khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên…