Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, người nông dân chỉ mong mùa màng bội thu. Nhưng ngay cả khi được mùa, nông dân vẫn thường xuyên phải đối mặt với thực trạng bị tư thương ép giá, khiến cảnh “được mùa, mất giá” diễn ra liên miên.
Điệp khúc buồn
Tây Nguyên hiện bắt đầu thu hoạch cà phê. Thời tiết năm nay khá thuận lợi, hứa hẹn được mùa. Tuy nhiên, giá cà phê liên tục giảm trong thời gian qua, khiến nhiều nông dân không khỏi lo ngại điệp khúc “được mùa, mất giá” có thể lặp lại.
“Điệp khúc” được mùa, mất giá đang trở thành nỗi lo của người sản xuất. Ảnh : Sỹ Huynh TTXVN |
Đầu tháng 11/2011, giá cà phê nhân ở một số tỉnh như: Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai giảm mạnh xuống còn dưới 40.000 đồng/kg, so với mức hơn 50.000 đồng/kg hồi tháng 5/2011.
Đến nay, theo anh Nguyễn Hữu Hưng, tại xã Ea Ngai, nằm phía tây bắc huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê chỉ còn 30.000 – 35.000 đồng/kg. Giá cà phê giảm mạnh là do các trang trại cà phê đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Sự dồi dào về nguồn cung là nguyên nhân chính khiến giá cà phê giảm.
“Với mức thuê nhân công lao động thu hái cao như hiện nay (120.000 – 130.000 đồng/ngày) giá cà phê phải đạt khoảng 45.000 đồng/kg người dân mới có lãi. Nếu giá tiếp tục giảm thì đến chính vụ thu hoạch, không biết giá còn giảm đến đâu”, anh Hưng nói.
Một số đại lý thu mua cà phê ở Tây Nguyên cho biết, khi giá cao, nông dân thu hoạch sớm vẫn thường mang đến bán cho các đại lý để lấy tiền trang trải trong gia đình và thuê nhân công lao động. Nhưng hiện nay, do giá cà phê giảm mạnh, nông dân không muốn bán nữa, đem về dự trữ đợi giá tăng cao trở lại. Nhưng kho chứa còn thô sơ, ẩm mốc, nên việc dự trữ không đảm bảo chất lượng, có khả năng gây mất giá cà phê.
Do vậy, theo anh Hưng, việc được mùa giảm giá đối với người trồng cà phê là chuyện bình thường và người dân đã coi đó như “một lẽ tất yếu”.
Thực tế, “điệp khúc” này không chỉ diễn ra với ngành cà phê, quả vải trong vài năm cũng liên tục hứng chịu tình cảnh này.
Vải Thanh Hà (Hải Dương) vốn là đặc sản có tiếng của tỉnh Hải Dương. Theo ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà: "Thời gian qua xảy ra nghịch lý là sản lượng vải càng cao, thì nỗi lo người dân trồng vải về giá cả cũng như thị trường tiêu thụ không ổn định càng lớn".
Ông Lê Thanh Bình, Bí thư thành ủy huyện Thanh Hà cho rằng: "Thời vụ thu hoạch rất ngắn, lại đúng vào mùa thu hoạch của rất nhiều loại trái cây khác nên việc tiêu thụ vải đã khó lại càng khó hơn. Vì vậy, việc người dân thu hoạch sớm để chạy theo giá cả thị trường là rất phổ biến dù chất lượng không đảm bảo”.
Bên cạnh đó, khi vào thời điểm chính vụ, “giá bán vải ở nhiều nơi vẫn cao nhưng thương lái vẫn dìm giá, ép giá xuống rất thấp, gây thiệt hại lớn cho người trồng vải”, ông Loãn nói.
Bài toán khó giải
Theo các chuyên gia nông nghiệp, chuyện được mùa - mất giá đã để lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam nhiều bài học đắt giá, nhưng hiện tượng trên vẫn thường xuyên tái diễn. Nguyên chính vẫn là do thiếu điều tiết hợp lý trong khâu trồng lẫn khâu tiêu thụ. Điều này đã đẩy nhiều hộ nông dân vào hoàn cảnh tự tìm đường giải thoát cho mình và dễ bị tư thương ép giá.
“Không riêng gì vải Thanh Hà và nhiều loại hoa quả khác vẫn chưa vươn ra được nhiều tỉnh, thành khác do kênh phân phối chưa đa dạng, hơn nữa nông dân lại bị ép giá”, ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà nói.
Để hạn chế việc này, ông Loãn cho rằng, cần có chính sách kêu gọi các thương lái ở các tỉnh, thành và cả nước ngoài đến ký hợp đồng trực tiếp với người nông dân để mở rộng kênh phân phối. Ngoài kênh tiêu thụ nội địa vốn có hạn, cần mở rộng thị trường xuất khẩu. Như vậy, mới hạn chế việc dìm giá, chèn giá, ép giá đối với dân trồng vải, xóa đi khái niệm “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”.
Ông Lê Thanh Bình, Bí thư thành ủy Thanh Hà, cũng đề nghị các cấp ngành của Trung ương, địa phương có chính sách phù hợp để bảo hộ vùng và sản phẩm đặc sản như hỗ trợ nông dân khi mất mùa, đầu tư vào khâu nghiên cứu giống, bảo quản sau thu hoạch để tăng thời gian và giá trị sử dụng.
Để giải quyết triệt để tình trạng được mùa mất giá đối với quả vải, ông Bình cho rằng, trước tiên phải quy hoạch vùng trồng vải. Thứ hai là nâng cao chất lượng vải thiều, đây là chiến lược lâu dài không chỉ của cây vải. Chọn những giống vải chín sớm để rải đều mùa vụ, giúp người nông dân bán được giá hơn. “Việc chọn nhiều giống vải mới, giãn và kéo dài thời vụ thu hoạch vừa nâng cao giá trị của vải, lại tránh được tình trạng bị ép giá khi chín rộ”, ông Bình đề xuất.
Về phần mình, ông Vũ Đình Cát, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cho rằng, cần liên kết các hộ sản xuất, sản xuất theo quy trình để nâng cao chất lượng và giá bán. “Từ năm 2003, Hiệp hội được thành lập và đến nay đã có 350 thành viên thuộc 9 xã. Hiệp hội sẽ sản xuất theo quy trình của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học của Sở KHCN Hải Dương. Sau đó được dán nhãn bảo hộ riêng, đỡ cho nông dân bị ép giá”, ông Cát cho biết.
Đối với các mặt hàng nông sản chiến lược như cà phê, gạo... để hỗ trợ giá cho người nông dân, trong vài năm gần đây Nhà nước có các chương trình thu mua tạm trữ cà phê, lúa gạo nhưng các chương trình được triển khai quá muộn, lúc đó người dân không còn cà phê để bán. "Tôi làm cà phê gần 20 năm mà chưa bán một hạt cà phê nào cho Nhà nước, toàn do tư thương và các hộ gia đình có lò sấy thu mua”, anh Nguyễn Hữu Hưng, xã Ea Ngai nằm phía tây bắc huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk nói.
Do vậy, theo anh Hưng, với những chương trình thu mua tạm trữ nông sản, Nhà nước nên tính tới thời điểm để mang lại lợi ích cho người dân, giảm bớt phần nào nỗi lo về giá.
Hữu Vinh
Bài 2: Xây dựng thương hiệu bền vững