Tìm thị trường tại hội chợ thiếu chuyên nghiệp

Để thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài, nếu chỉ dừng ở việc đăng ký tham gia các hội chợ thương mại là chưa đủ. Doanh nghiệp trong nước còn cần phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm đối tác, khách hàng thông qua các hội chợ này.

Chủ nhà… lép vế

Tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam (Vietnam Expo) lần thứ 25, vừa khai mạc sáng 15/4, không khó để nhận thấy một điều là các doanh nghiệp (DN) của nước chủ nhà Việt Nam khá lép vế so với các DN ngoại đến từ Hàn Quốc, châu Âu. Sự lép vế thể hiện ở chỗ, DN Việt có các gian trưng bày khiêm tốn, không bắt mắt so với sự chuyên nghiệp của các DN ngoại. Các DN, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong nước chỉ được ban tổ chức bố trí cho các gian trưng bày ở khu vực nhà triển lãm D nằm phía sau, với quy mô gian hàng nhỏ hơn và cũng kém hiện đại hơn.

Không ít DN Việt Nam chưa chú trọng tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng tại các hội chợ.


Tại nhà triển lãm trung tâm (A1), các DN Hàn Quốc với cách bài trí bắt mắt đã thu hút rất đông người xem. Ngược lại, tại nhà D, gian hàng của DN nội chỉ lèo tèo vài ba món sản phẩm. Những gian đông khách hơn chủ yếu thuộc về ngành hàng thực phẩm, đồ gia dụng, và phần đông khách hàng đến xem là khách lẻ trong nước.

Dừng chân tại gian hàng của Công ty cổ phần Sơn An Hà Tĩnh, chúng tôi được giới thiệu sản phẩm chủ lực là rượu nhung hươu Hương Sơn. Anh Hoàng Viết Trung, Trưởng phòng Kinh doanh của công ty cho biết, đây là lần đầu tiên công ty tham gia Vietnam Expo nên cũng muốn thông qua hội chợ này có thể tìm kiếm bạn hàng nước ngoài. Tuy nhiên, anh Trung thừa nhận: “Chủ yếu là tìm khách hàng tại khu vực phía Bắc, bởi sản phẩm này mới quen thuộc với khách trong Nam. Còn khách nước ngoài không hi vọng nhiều bởi họ có tiêu chuẩn rất khắt khe”.

Anh Trung cho biết thêm, muốn xuất khẩu sang Đức thì phải điều chỉnh về chất lượng sản phẩm. Thay vì rượu đục (có pha nhung hươu) thì công ty sẽ phải lọc cho trong thì khách hàng mới chấp nhận.

Ghé sang gian hàng của Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Ninh, nơi trưng bày các sản phẩm đồ gỗ nội thất gia đình - một thế mạnh của tỉnh. Cả gian hàng khá rộng nhưng chỉ có một người duy nhất đứng giới thiệu. Khi có một đoàn khách Ba Lan đến tham quan, chị này chỉ đứng khuơ khuơ tay ra hiệu mà không thể giao tiếp tiếng Anh. Mặc dù tỏ ra thích thú với các sản phẩm mỹ nghệ tại gian hàng này nhưng đoàn khách Ba Lan cũng đành rời đi vì… không hiểu gì.

Một số gian hàng khác của DN Việt Nam có dán thông báo tìm kiếm đối tác phân phối, bạn hàng cùng số điện thoại liên hệ, tuy nhiên in thủ công trên giấy A4 và dán bằng… băng dính rất nghiệp dư. Theo số liệu của ban tổ chức, hơn một nửa trong tổng số 720 gian hàng tại hội chợ là của DN trong nước. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, quá nửa trong số này là các công ty, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không có tên tuổi trên thị trường. Thậm chí, nhiều gian hàng tại khu vực cuối nhà trưng bày D bị bỏ trống, hoặc chỉ có một người ngồi theo kiểu… chiếu lệ. Nhìn những gian hàng này, khách tham quan không khỏi cảm thấy ngao ngán.

Cần chủ động hơn

Việc tổ chức một hội chợ triển lãm quốc tế là cơ hội tốt cho các DN trong nước tìm kiếm bạn hàng nước ngoài. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được bao nhiêu thì phụ thuộc khá lớn vào chính sự chủ động của các DN. Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thừa nhận, Vietnam Expo như một cái chợ, đó là nơi trao đổi của người mua và người bán. Cục chưa có thống kê sau mỗi kì hội chợ, các DN Việt Nam ký kết được bao nhiêu hợp đồng, giá trị bao nhiêu với DN nước ngoài.

“Cục chỉ hỗ trợ các DN thông qua việc ưu tiên các thị trường xuất khẩu chủ lực. Chẳng hạn, đón đầu việc cuối năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ thành lập, FTA Việt Nam - Hàn Quốc chuẩn bị kí kết thì tại hội chợ lần này, đã có nhiều DN ASEAN cũng như Hàn Quốc tham gia”, ông Sơn cho biết.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là một DN lớn của Việt Nam có gian hàng ấn tượng tại hội chợ. Ông Phan Ngọc Trung, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, để việc tham gia hội chợ đi vào thực chất, chúng tôi không trưng bày các gian hàng to rộng như trước mà trưng bày các sản phẩm thiết thực, thông dụng, tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ có thể phát triển được ở nước ngoài như các giàn khoan, các sản phẩm nông nghiệp (phân bón)…

Thực tế hiện nay, nhiều DN Việt Nam chưa chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại mà trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước vốn rất hạn chế. Mặt khác, nhiều DN quá chú trọng đến doanh số bán hàng tại hội chợ nên coi nhẹ mục tiêu dài hơi là tìm kiếm thị trường, đơn hàng xuất khẩu.
Theo các chuyên gia thương mại, các trung tâm khuyến công địa phương cần giúp DN hiểu đúng về tác dụng khi tham gia hội chợ, qua đó định hướng, tư vấn DN tham gia hội chợ phù hợp với sản phẩm chủ lực của mình.

Bài và ảnh: Hoàng Dương

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế đồ gỗ và nội thất Singapore
Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế đồ gỗ và nội thất Singapore

Hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia Hội chợ quốc tế đồ gỗ và nội thất Singapore (IFFS) tại Trung tâm Triển lãm Expo. Đây là một trong những hội chợ quốc tế chuyên ngành thường niên có quy mô lớn nhất tại châu Á hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN