Tín dụng cho vùng Tây Bắc

Vùng Tây Bắc được coi là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Cùng với Chính phủ và các bộ, ngành, thời gian qua ngành ngân hàng luôn ưu tiên tập trung nguồn lực đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Từ khoản vay hỗ trợ 8 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2012, đến nay, gia đình ông Hờ A Sếnh, bản Pá Trả, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã mở rộng trang trại, khai hoang lúa nước và lúa nương. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN


Do hoạt động tín dụng của khu vực Tây Bắc tập trung lớn cho dự án thủy điện, giao thông, khai khoáng… nên cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng xác định nông nghiệp nông thôn là một trong năm lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho vay. Đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của khu vực Tây Bắc cũng luôn được Ngân hàng Nhà nước quan tâm và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện. Đến cuối tháng 6/2015, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc đạt 72.561 tỷ đồng, chiếm 46% tổng dư nợ tín dụng toàn vùng và chiếm 9% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc. Mặc dù vậy nhưng do đặc thù của khu vực Tây Bắc là nguồn vốn huy động luôn không đáp ứng đủ nhu cầu vốn tín dụng nên 6 tháng đầu năm 2015 mặc dù tốc độ huy động vốn tăng cao hơn mức tăng chung của cả nước nhưng tổng nguồn vốn huy động tại chỗ cũng chỉ đáp ứng được gần 76% tổng nhu cầu vốn của các địa phương trong vùng.

Thí điểm mô hình liên kết chuỗi giá trị

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhằm khai thác thế mạnh, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực Tây Bắc, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện một số chính sách tín dụng đặc thù như chương trình cho vay thí điểm theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ. Trong số 28 doanh nghiệp trên toàn quốc được Liên bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước) lựa chọn tham gia chương trình cho vay thí điểm, khu vực Tây Bắc được lựa chọn hai doanh nghiệp là Công ty TNHH chè Phong Hải tỉnh Lào Cai và Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Số tiền các ngân hàng cam kết cho vay đối với hai doanh nghiệp này là 318,5 tỷ đồng để thực hiện dự án mô hình liên kết sản xuất với nông dân để duy trì mở rộng vùng nguyên liệu mía đường và dự án đầu tư mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất chế biến và tiêu thụ chè. Đây là 2 trong số 28 doanh nghiệp là điểm sáng tiêu biểu về liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trong cả nước. Việc thực hiện chương trình sẽ tạo hướng đầu tư tín dụng phục vụ sản xuất hàng hóa lớn, tạo giá trị thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, sau gần một năm triển khai, các ngân hàng đã giải ngân cho Công ty TNHH chè Phong Hải với số tiền 7,52 tỷ đồng. Riêng dự án mô hình liên kết sản xuất với nông dân để duy trì mở rộng vùng nguyên liệu mía đường của Công ty CP mía đường Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang các ngân hàng đã giải ngân 212,6 tỷ đồng nhưng do chưa thống nhất về cách hiểu về liên kết nên Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tuyên Quang chưa ghi nhận kết quả cho vay này của 3 chi nhánh Ngân hàng thương mại (Agribank, Vietinbank và BIDV) đối với Công ty CP mía đường Sơn Dương. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện và trình Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến chấp thuận có văn bản hướng dẫn Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tuyên Quang thực hiện.

Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp

Đây là chương trình được ngành ngân hàng triển khai từ đầu năm 2014 và được coi là một trong các công cụ hiệu quả mà ngành ngân hàng phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thực hiện để từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất.

Đến hết tháng 5/2015, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại khu vực Tây Bắc đã có 49 buổi Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên tất cả 12 tỉnh của khu vực Tây Bắc (chưa kể các huyện phía tây Thanh Hóa và tây Nghệ An). Ông Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều hình thức như: cho vay mới với lãi suất thấp, giảm lãi suất các khoản vay cũ, nâng hạn mức tín dụng, cơ cấu lại các khoản nợ cũ… Tổng số tiền các ngân hàng cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo chương trình đạt khoảng 27.900 tỷ đồng, trong đó cam kết cho vay mới đối với hơn 2.000 khách hàng doanh nghiệp số tiền khoảng 23.373 tỷ đồng (Lãi suất cho vay mới phổ biến 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm khoảng 1% so với năm 2014). Các hình thức hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… đạt dư nợ khoảng 4.527 tỷ đồng cho hơn 700 doanh nghiệp và khoảng 1.000 đối tượng khách hàng khác.

Trong những tháng cuối năm 2015, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Bắc, trong đó tập trung cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy điện, khai khoáng, du lịch nhằm tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực. Cùng với các ngành, các cấp đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông tạo sự gắn kết giữa khu vực Tây Bắc và các khu vực khác. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh cho vay và cung ứng dịch vụ ngân hàng đến các khu vực cửa khẩu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại các vùng kinh tế cửa khẩu. Tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội đẩy mạnh cho vay có hiệu quả đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại khu vực Tây Bắc nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Viết Tôn
Tăng cường đoàn kết, giữ vững ổn định đưa Tây Bắc vươn lên
Tăng cường đoàn kết, giữ vững ổn định đưa Tây Bắc vươn lên

Ngày 11/7, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ III nhiệm kỳ 2015-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN