Đây là cơ sở để tỉnh Sóc Trăng lập thủ tục để khai thác 7 mỏ cát thuộc hạ lưu sông Hậu vào phục vụ thi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; trong đó có 2 mỏ gia hạn và 5 mỏ đang khảo sát đánh giá trữ lượng, chất lượng. Dự kiến tổng trữ lượng 7 mỏ cát này khoảng 17 triệu m3 cát.
Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sẽ có nhiều dự án lớn được thực hiện cần khối lượng vật liệu san lấp nền rất lớn. Các dự án được triển khai trong khu vực có nền đất yếu, do đó, phải sử dụng khối lượng lớn vật liệu cát để đắp nền đường. Cần khối lượng nhiều nhất là dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hiện đã khởi công từ giữa tháng 6/2023. Việc bàn giao mặt bằng của của dự án cũng đang được tiến hành khẩn trương với hơn 84% diện tích đã được người dân bàn giao và nhận tiền hỗ trợ đền bù giải tỏa.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, về vật liệu cho dự án cao tốc, tổng nhu cầu cát đắp nền cho toàn dự án khoảng 28,91 triệu m3, riêng năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần 13,16 triệu m3, năm 2025 cần 8,95 triệu m3; trong đó, chỉ tính riêng dự án thành phần 4 qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhu cầu vật liệu khoảng 7,56 triệu m3 (năm 2023 cần 1,52 triệu m3, năm 2024 cần 3,4 triệu m3, năm 2025 cần 2,64 triệu m3), với việc có thể khai thác các mỏ cát trên sông Hậu để sử dụng làm vật liệu san lấp nền đường bộ, tỉnh Sóc Trăng hy vọng sẽ không phải lo khó khăn thiếu vật liệu để cung cấp đủ cát cho dự án.
Một tin vui nữa cho tỉnh Sóc Trăng là mới đây, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận thực hiện thí điểm sử dụng cát biển cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau, qua nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển phục vụ các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên đoạn thí điểm là tuyến đường tỉnh 978 tại lý trình Km 79+820 dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, đã hoàn thành hết lớp đắp bằng cát biển K95, K98, đang thi công lớp đá dăm láng nhựa. Dự kiến, đến tháng 12/2023 sẽ hoàn thành lớp mặt và có thể thông tuyến.
Đánh giá bước đầu, vật liệu đầu vào dùng đắp mẫu cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm đảm bảo các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền về hàm lượng muối hòa tan và chỉ số sức chịu tải theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9436:2012 Nền đường ô tô - Thi công và nghiệm thu (tổng lượng muối hòa tan dưới 5%). Chất lượng môi trường nền (nước mặt, nước ngầm và đất) trước và trong khi thi công cho thấy, chưa có bằng chứng về việc thi công đắp cát biển làm tăng độ mặn và hàm lượng Clorua trong nước mặt và nước ngầm. Việc thi công cũng không ảnh hưởng đến chất lượng đất.
Tại khu vực thí điểm, có thể đánh giá sơ bộ cát biển khu vực tỉnh Sóc Trăng có thể thay thế cát sông làm vật liệu đắp nền đường, các tính chất vật liệu của cát biển sử dụng đắp nền đường tương tự như cát sông. Việc sử dụng cát biển đắp nền đường cũng không có tác động lớn về chất lượng môi trường xung quanh, độ mặn của nước mặt và nước ngầm trước vào sau khi thi công chưa thể hiện rõ ràng.
Tuy nhiên, công tác thí điểm vẫn cần theo dõi thêm để thu thập đầy đủ số liệu phục vụ cho đánh giá tổng kết. Theo lộ trình dự kiến được Bộ Giao thông vận tải đưa ra, sau khi hoàn thành thi công đoạn thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền, công tác quan trắc sẽ được thực hiện đến tháng 11/2023. Kết quả đánh giá tổng quan sẽ được đưa ra vào cuối năm 2023.
Sóc Trăng có bờ biển dài trên 72 km với 3 cửa sông lớn, tiềm năng trữ lượng cát biển rất lớn, lên tới hàng tỷ mét khối. Nếu việc thí điểm dùng cát biển làm vật liệu san lấp nền cho các dự án giao thông có thể thực hiện được thành công thì việc tìm kiếm vật liệu cho các công trình giao thông, dự án lớn không còn là vấn đề đáng lo ngại.