Tính kỹ phương án lập công ty mua bán nợ xấu

Nợ xấu hiện chiếm khoảng 10%, tương đương 270 nghìn tỷ đồng. Đó là số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. Nhiều chuyên giá ví von, nợ xấu cũng giống như “cục máu đông” gây nghẽn mạch lưu thông của dòng vốn. NHNN đã đề xuất thành lập công ty mua bán nợ xấu có số vốn 100 nghìn tỷ đồng với kỳ vọng khơi thông dòng vốn. Đây có phải là giải pháp hữu hiệu và con số 100 nghìn tỷ đồng có là quá lớn? Để có cái nhìn rõ hơn xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN.

 

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình nợ xấu của các NHTM hiện nay? Điều này ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế?

 

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN. Nguồn: vcci.com.vn

 

Ông Cao Sỹ Kiêm: Nợ xấu NH hiện nay biểu hiện khả năng thanh toán và chất lượng doanh nghiệp của chúng ta. Con số nợ xấu khoảng 270 nghìn tỷ là một con số rất lớn. Theo thông lệ quốc tế, con số này đáng báo động, đe dọa sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Thứ hai, nợ xấu cũng là nguyên nhân khiến cho các DN không vay được vốn từ NH và NH cũng không thể cho vay vì NH phải căn cứ vào những tiêu chuẩn, DN nào nợ thuế, nợ xấu, nợ quá hạn thì chắc chắn không thể được cho vay. Điều này khiến DN không có vốn để đầu tư sản xuất, dẫn đến sức mua giảm sút và lợi nhuận không có, coi như “van” đã bị đóng lại. Đó là sự ảnh hưởng dây chuyền, kể cả đối với các NH. Hơn nữa, khi các DN nợ quá hạn nhiều, vay NH thì không được, buộc phải đi vay ngoài, lãi suất cao không có khả năng chi trả, càng đẩy nợ xấu tăng. Tình trạng này đang diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả trên nhiều lĩnh vực. Do đó giải quyết nợ xấu là mục tiêu quan trọng, vừa giải quyết khó khăn cho NH, cho DN, vừa cứu nguy nền kinh tế. DN đình trệ không phát triển, thua lỗ biến NH bị nợ lây, nguy cơ vỡ nợ là khó tránh khỏi.

 

Phóng viên: Vậy theo ông việc thành lập công ty mua bán nợ xấu có là giải pháp hữu hiệu để khắc phục nợ xấu?

 

Ông Cao Sỹ Kiêm : Đối với việc thành lập công ty mua bán nợ, NHNN đã trình Chính phủ, nhưng vấn đề quan trọng đó là vốn 100 nghìn tỷ lấy ở đâu ra. Ngoài ra, cần phải xác định nợ đó như thế nào, có phải là nợ có khả năng giải quyết không hay nợ đã mất, gắn vào nguyên nhân cụ thể để có biện pháp giải quyết phù hợp, quy rõ trách nhiệm những người tạo nên món nợ xấu để xử lý mạnh bằng các biện pháp hành chính, kinh tế và thậm chí là luật pháp. Và hơn thế cần sự chung tay của cả nền kinh tế để phục hồi “sức khỏe” cho hệ thống ngân hàng, như thế thì huyết mạch nền kinh tế cũng được vận hành thông suốt hiệu quả hơn.

 

Chúng ta có thể huy động vốn bằng cách Nhà nước bỏ ra một ít, các NH bỏ ra một ít, cho phát hành trái phiếu chính phủ đứng ra bảo lãnh... Do vậy, việc thành lập công ty mua nợ xấu là cần thiết và đề án 100 nghìn tỷ là hoàn toàn khả thi, thông lệ quốc tế đã làm nhiều rồi, chúng ta có thể tham khảo mô hình của Thái Lan. Chúng ta có thể mua nợ xấu sau đó bán lại, nếu làm tốt thì thậm chí sẽ có lãi. Ví dụ, sau khi mua nợ xấu, tiến hành củng cố xong, biến nợ xấu thành nợ tốt, có thể đẩy giá lên bán cho DN nào muốn mua, trong nước hoặc quốc tế. Bên cạnh đó, việc thành lập công ty mua nợ sẽ giảm tín dụng đen, bởi nếu không giải quyết được vấn đề nợ xấu này thì chắc chắn tín dụng đen sẽ lấp chỗ trống.

 

Đối với các DN, trước mắt cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thay đổi chiến lược kinh doanh, củng cố sản xuất, cần có biện pháp làm thế nào để giảm chi phí xuống, tạo điều kiện phát triển sản xuất, giảm giá thành sản phẩm để kích cầu tiêu dùng, giải phóng tồn kho, thúc đẩy việc làm... Ngoài ra, cơ cấu lại nợ, đối với những DN vẫn hoạt động tốt nhưng do các yếu tố khách quan, do chính sách, cơ chế, do dịch bệnh thiên tai... làm cho từ lãi sang lỗ, thành nợ quá hạn. Do đó, cần cơ cấu lại nợ, để cho DN vay vốn tiếp để DN có thể tiếp tục phát triển sản xuất, lấy nợ nuôi nợ, sau đó phát triển lên để trả nợ, “cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần”.

 

Phóng viên: Vậy theo ông, công ty mua bán nợ cần hoạt động như thế nào?

 

Ông Cao Sỹ Kiêm : Thực tế, các NH đều có công ty mua bán nợ nhưng hoạt động không hiệu quả bởi NH nọ đổ sang NH kia, tác dụng giải quyết quá hẹp. Do đó, việc thành lập công ty mua bán nợ xấu vẫn cần sự tham gia của Nhà nước. Đây là công ty mua bán nợ chuyên biệt cho NH, ra đời trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Khi nền kinh tế ổn định thì nó sẽ tự tiêu nên không phải lo lắng. Mô hình thế nào do NHNN lựa chọn. Song cần chi tiết và các bên cần bàn với nhau cho cụ thể, phải có xác định giá, “anh” nào cũng phải hi sinh một chút. Việc định giá có sự tham gia của các cơ quan chức năng nên DN không lo bị ép giá. Nhưng nếu quản lý không chặt, có thể bị lọt.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

 

 

Đỗ Huyền (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN