Sáng 30/6, tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, Tổng cục Thống kê phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Lễ ra quân Tổng điều tra kinh tế năm 2017 (giai đoạn 2) nhằm thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng cơ sở và lao động của các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bổ của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, nhà nước, các bộ, ngành, địa phương...
Tổng điều tra kinh tế năm 2017 (giai đoạn 2) thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, kết quả sản xuất kinh doanh. Ảnh: Kim Há/TTXVN. |
Phát biểu tại Lễ ra quân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, Tổng điều tra kinh tế năm 2017 có ý nghĩa quan trọng, kết quả từ cuộc tổng điều tra này sẽ phác họa bức tranh đầy đủ về sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số lượng lao động, cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế, kết quả đóng góp của từng ngành kinh tế cho sự phát triển của cả nước, từng địa phương qua 5 năm.
Từ đó, làm cơ sở cho các ngành, các cấp rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin...
Ông Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đánh giá cao kết quả cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017 là cơ sở dữ liệu rất quan trọng để nghiên cứu, phân tích nhiều khía cạnh của nền kinh tế nhằm phản ánh bức tranh trung thực và đa dạng về cơ cấu kinh tế của tỉnh. Từ đó, làm cơ sở cho việc hoạch định, điều chỉnh, bổ sung chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và lĩnh vực của tỉnh.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng nhấn mạnh, Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cơ bản kế thừa nội dung, phạm vi các cuộc tổng điều tra trước nhằm đảm bảo tính so sánh của số liệu. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Tổng điều tra kinh tế thu thập số liệu về các tổ chức phi chính phủ được cấp phép hoạt động tại Việt Nam nhằm đánh giá đầy đủ kết quả hoạt động của tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ kinh tế của nước ta.
Theo ông Lâm, trong cuộc tổng điều tra lần này, Tổng cục Thống kê sẽ sử dụng tối đa nguồn thông tin hồ sơ hành chính từ ngành thuế, kho bạc nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước khác như y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao, thông tin truyền thông.
Tổng điều tra kinh tế năm 2017 được thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đã được thực hiện từ tháng 3 - 5/2017, thu thập thông tin của khối doanh nghiệp và hành chính, sự nghiệp. Giai đoạn 2, bắt đầu từ tháng 7/2017 thu thập thông tin của khối tôn giáo, tín ngưỡng và hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Dự kiến, kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 12/2017.
Đối tượng, đơn vị điều tra là các cơ sở đang hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc mọi loại hình kinh tế, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, thỏa mãn cả ba điều kiện: có địa điểm cố định trên lãnh thổ Việt Nam để trực tiếp thực hiện hoặc quản lý, điều hành các hoạt động thuộc các ngành kinh tế; có chủ thể sở hữu và người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động, có lao động chuyên nghiệp và có thời gian hoạt động liên tục hoặc định kỳ theo mùa vụ hoặc theo tập quán kinh doanh.
Nội dung điều tra bao gồm 6 nhóm thông tin: nhóm thông tin chung về cơ sở; nhóm thông tin về lao động và thu nhập của người lao động; nhóm thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; nhóm thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin; nhóm thông tin về tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp và nhóm thông tin chuyên đề về doanh nghiệp: đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp chế biến, chế tạo, gia công hàng hóa xuất, nhập khẩu với nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng điều tra kinh tế năm 2017 là cuộc điều tra có phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau thuộc khối doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp, tôn giáo tín ngưỡng, các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.
"Vì vậy, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ngành thống kê với các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương trong điều tra, cũng như sự nhiệt tình cộng tác, cung cấp thông tin của các cơ quan, ban ngành, tới doanh nghiệp, cơ sở hộ cá thể... là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của cuộc tổng điều tra”, ông Lâm nhấn mạnh.
Nhận định về cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017 (giai đoạn 1), Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Bình cho biết, với sự vào cuộc chủ động, tích cực, cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành giai đoạn 1 đạt kết quả tốt, bảo đảm đúng tiến độ theo quy định.
Tuy nhiên, theo ông Bình, trong quá trình triển khai tổng điều tra vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Đối với doanh nghiệp, mặc dù, đã tiến hành rà soát kỹ nhưng một số doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng và đăng ký kinh doanh ở Thái Bình nhưng lại hoạt động ở tỉnh khác gây khó khăn cho việc tiếp cận thu thập số liệu.
Mặt khác, năm nay khái niệm doanh nghiệp đang hoạt động trùng lắp với khái niệm của ngành thuế nên có tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động mang tính cầm chừng, hoặc là dùng pháp nhân để đấu thầu, đấu giá... Một số doanh nghiệp khác dù không có hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể mà chỉ nộp thuế môn bài và thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng vẫn phải điều tra.