Tính đến trưa nay 6/5, huyện Hóc Môn đã chi 100 tỷ đồng để trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho 25 hộ dân bị ảnh hưởng của dự án xây dựng đường Vành đai 3. Những người dân đến nhận tiền chi trả đều được cán bộ địa phương và nhân viên ngân hàng hướng dẫn đầy đủ các thủ tục, mở tài khoản để nhận tiền thuận lợi.
Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, trong những ngày cuối tuần, huyện đã triển khai chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho bà con. Trong sáng 6/5, nhiều bà con đã nhận được tiền chi trả với tinh thần rất phấn khởi. Dự kiến đợt này, địa phương sẽ chi trả tiền cho khoảng 120 hộ đã đồng thuận với phương án bồi thường. Huyện cũng sẽ tiếp tục vận động người dân đồng thuận, để sớm hoàn thành công tác này.
Trong khi đó, UBND huyện Củ Chi cho biết, huyện đã chi trả cho 15 trường hợp và dự kiến trong ngày 6/5 sẽ chi trả cho 15 – 17 trường hợp, với tổng số tiền chi bồi thường dự kiến khoảng 86 tỷ đồng. Trong tháng 5, UBND huyện cũng sẽ tiến hành chi trả nhanh cho các trường hợp đồng thuận, ưu tiên những trường hợp có diện tích đất bị ảnh hưởng lớn.
Dự án Vành đai 3 dài hơn 76 km với tổng mức đầu tư 75.300 tỷ đồng, đi qua Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tại TP Hồ Chí Minh, dự án có chiều dài khoảng 47,51 km trên địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Diện tích đất chiếm dụng là 410 ha với 1.7 hộ bị ảnh hưởng; dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 18.906 tỷ đồng.
Theo cập nhật, huyện Hóc Môn có 332 hộ dân bị ảnh hưởng, với số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 2.3 tỷ đồng. Huyện Củ Chi có 418 trường hợp, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 2.671 tỷ đồng. Thành phố Thủ Đức 595 trường hợp, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 8.283 tỷ đồng. Bình Chánh có 393 trường hợp, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 4.829 tỷ đồng. Từ nay đến ngày 15/6, Tp. Hồ Chí Minh dự kiến giải ngân 8.800 tỷ đồng cho công tác bồi thường và 2.000 tỷ đồng trong công tác xây lắp.
UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo sở ngành, địa phương chuẩn bị khu tái định cư tại chỗ để bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa trắng nhà đất, đủ điều kiện tái định cư. Đối với những trường hợp có nhà đất bị giải tỏa trắng nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư, Thành phố đã chỉ đạo xây dựng chính sách và chuẩn bị đầy đủ quỹ căn hộ chung cư để bố trí tái định cư cho người dân, đảm bảo tất cả người dân phải có chỗ ở ổn định.
Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành các quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đối với dự án đường Vành đai 3.
Thành phố Thủ Đức có các vị trí có mức giá bồi thường cao nhất trong 4 địa phương. Giá đền bù cao nhất là đường Nguyễn Duy Trinh tại vị trí 1 là 73,3 triệu đồng/m2, vị trí 2 là 51,1 triệu đồng/m2. Trên đường Nguyễn Xiển, vị trí 1 là gần 70 triệu đồng/m2, vị trí 2 là 52,5 triệu đồng/m2.
Tại huyện Hóc Môn, giá đền bù cao nhất thuộc vị trí 1 đường Nguyễn Văn Bứa với giá đất bồi thường gần 35,6 triệu đồng/m2, vị trí 1 Quốc lộ 22 là 33,1 triệu đồng/m2. Khu vực huyện Củ Chi, giá đền bù cao nhất là trên 19 triệu đồng thuộc vị trí 1 các đường Tỉnh lộ 15, đường Võ Văn Bích, đường Hà Duy Phiên. Huyện Bình Chánh, giá đất đền bù cao nhất là tại vị trí 1 đường Trần Văn Giàu với mức 42,69 triệu đồng/m2.