Môi trường đầu tư tốt
Theo báo cáo của UBND TP, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn thành phố 3 tháng đầu năm ước đạt 221.816 tỷ đồng, tăng 7,1% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,9%). Trong đó: dịch vụ tăng 7,8% (cùng kỳ tăng 7,37%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,25% (cùng kỳ tăng 5,63%), khu vực nông nghiệp tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 5,8%). Với mức tăng trưởng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chu kỳ tăng trưởng thông thường thì quý sau sẽ tăng cao hơn quý trước, mức tăng trưởng 7,1% tuy chưa đạt mục tiêu chung cả năm do TP đề ra (tăng trưởng 8%) nhưng đây vẫn là một tín hiệu khả quan. Tất nhiên từ nay đến cuối năm, chỉ số tăng trưởng phải hơn 8%, để làm được điều này, đòi hỏi cả chính quyền và nhân dân phải cùng nhau nỗ lực, đồng lòng. Chính quyền phải tạo môi trường đầu tư tốt cho DN, đẩy mạnh cơ chế khuyến khích DN cũng như người dân đầu tư, khởi nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là các chính sách, thủ tục về thuế, vốn..., tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Nhờ đầu tư đúng hướng, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã trở thành một đô thị đa chức năng hiện đại. |
Bên cạnh những chính sách dài hơi, từ đầu năm đến nay, Thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch xúc tiến thương mại - thu hút đầu tư, tập trung thu hút mọi nguồn lực góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh. Thông qua các Hội nghị gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố và các DN có vốn đầu tư nước ngoài, gặp gỡ giữa DN, Tham tán, Tùy viên Thương mại các nước khu vực châu Mỹ, châu Âu, châu Phi - Tây Á - Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương... , Thành phố đã lắng nghe góp ý, kiến nghị của các DN, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng môi trường đầu tư hiệu quả, khuyến khích DN phát triển và mở rộng các dự án mới mang lại giá trị kinh tế và lợi ích cho xã hội. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống đối thoại DN - chính quyền, thành phố đã giải đáp phần lớn các câu hỏi về thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng, lao động, tài nguyên, môi trường..., tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của DN, chuyển tải đến DN nhiều thông tin liên quan hoạt động xúc tiến, hội chợ, hội thảo, tin kinh tế quốc tế về các thị trường và ngành hàng xuất khẩu.
TS Trần Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhận định, Thành phố đang có những định hướng phát triển đúng hướng. Điểm nổi bật trong năm 2016 là chính sách về đầu tư và thu hút đầu tư, việc huy động các nguồn lực xã hội, việc sử dụng ngân sách đầu tư làm “vốn mồi” và việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố. Nếu so sánh với năm 2015, môi trường đầu tư của Thành phố đang có những cải thiện rõ rệt. Từ việc Thành phố tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự, đẩy mạnh phòng chống tội phạm, bảo đảm an toàn cho người dân cũng như du khách, tạo hình ảnh một thành phố thân thiện, an toàn, cho đến việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thông qua việc rút ngắn các thủ tục, thời gian về thuế, hoàn thuế, rút ngắn các thủ tục hành chính, hải quan, thời gian cấp GPĐT, cho đến các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ... đã tạo điều kiện khá tốt để DN phát triển. Cụ thể, việc kiến nghị rút ngắn thời gian hoàn thuế đã giúp DN rút ngắn vòng xoay vốn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh... Đây cũng chính là vấn đề Thành phố vẫn đang có những kiến nghị, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho DN, đặc biệt là những chính sách hoàn thuế liên quan đến các DN sản xuất các mặt hàng nguyên phụ liệu, phục vụ xuất khẩu, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động. Thành phố cũng thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích DN đầu tư chung cư, nhà xưởng cao tầng ở khu vực Hiệp Phước, xây dựng chính sách thu hút các nhà khoa học trong nước, nước ngoài làm việc, nghiên cứu ở khu công nghệ cao... đây là những chính sách cụ thể, nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, TP.HCM là địa phương có tinh thần khởi nghiệp và độ chịu đựng rủi ro rất cao. Vì vậy, chính quyền phải tạo cơ chế khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho các DN phát triển, khẳng định thương hiệu, tạo thêm sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới là tập trung tái cấu trúc kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư... Trong đó, thành phố sẽ nghiên cứu xem xét ban hành những chính sách hỗ trợ cộng đồng DN nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh khi Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương.
DN nâng cao năng lực cạnh tranh thì chính quyền cũng cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp chính quyền, như vậy mới có thể phát triển và hội nhập được. Chính quyền TP Hồ Chí Minh đang hỗ trợ cho DN ngày một tốt hơn, chung tay với DN để vượt qua khủng hoảng. Với xu hướng kinh tế thế giới đang phục hồi, cộng với việc cải thiện môi trường đầu tư cho người dân, cho DN ngày càng tích cực hơn, thì mục tiêu tăng trưởng của thành phố cũng sẽ dễ dàng đạt được hơn. Trong nhiệm kỳ này, nhiều lãnh đạo mới, nhưng đã rất chủ động trong việc chỉ đạo, nắm bắt tình hình nhanh, chỉ đạo rất sát thực tiễn, kịp thời và nhanh hơn cả những cơ quan tham mưu. Đây là những tín hiệu đáng mừng và có cơ sở để tin Thành phố sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016 và những năm tới. TS Trần Anh Tuấn |
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, TP đang có những định hướng đúng, tác động tích cực đến nền kinh tế, tuy nhiên, thực tế, quá trình triển khai vẫn chậm, nhiều ý tưởng, nhiều chính sách vẫn chậm đi vào đời sống thực tiễn, khiến không phát huy được những thế mạnh của nền kinh tế. Dù là nền kinh tế mạnh nhất cả nước, Thành phố vẫn đang đối diện với việc thiếu ngân sách đầu tư và thiếu cả cơ chế. Là một đô thị lớn, đặc biệt như TP.HCM, nhưng rất nhiều chính sách đầu tư hiện nay vẫn phải tập trung về Trung ương, điều này khiến địa phương mất tính chủ động.
Để phát triển được những lợi thế của mình, TP.HCM cần có những đột phá về mặt cơ chế, chính sách, ví dụ như việc chọn thầu, chỉ định thầu, chính sách lương, thưởng để thu hút các chuyên gia giỏi từ nước ngoài, các chính sách phân cấp về ngân sách, về quy hoạch và phát triển quy hoạch của địa phương... thậm chí quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương đều phải thông qua Trung ương, trong một chừng mực nào đó đã làm mất đi tính chủ động của địa phương. Thành phố cần có một cơ chế riêng, chẳng hạn như mô hình chính quyền đô thị để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển thành phố cũng như trong khu vực.
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cũng từng cho rằng, Thành phố cần có cơ chế khác, nhưng cùng một mục tiêu là làm sao phát triển nhanh hơn, phát huy hết lợi thế của mình, cần một cơ chế để Thành phố phát triển. Và khi xây dựng cơ chế riêng, không phải chỉ là chuyện giữ lại bao nhiêu phần trăm ngân sách. Nếu chỉ chăm chăm theo hướng đó sẽ thất bại, mà phải có cơ chế làm sao có được ngân sách nhiều hơn. Tức là để tỷ lệ phần trăm phân bổ không đổi nhưng con số tuyệt đối phải tăng lên. Như thế Nhà nước cũng được nhiều hơn, thành phố cũng có nhiều tiền hơn để tái đầu tư phát triển.