Dở khóc dở cười khi đi chợ theo "tem phiếu"
Gần đây, đa số người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã dần quen với việc đi chợ theo phiếu mua hàng được phát. Tuy nhiên, dù có phiếu đi chợ nhưng nhiều người dân vẫn khó mua được hàng mình cần, thậm chí phải chờ đợi ít nhất 1 giờ mới vào được siêu thị nhưng không còn gì để mua.
Chị Lê Thu Tâm, ngụ ở Phước Long B, thành phố Thủ Đức cho biết, gia đình chị được phát phiếu đi chợ trong địa bàn phường. Do phiếu của gia đình chị được quy định mua hàng từ 12 giờ trưa đến 17 giờ vào hai ngày chủ nhật và thứ năm hàng tuần nên khi tới các cửa hàng, siêu thị trong khu vực phường luôn trong tình trạng xếp hàng dài.
“Khoảng 12 giờ trưa, tôi đến 2 cửa hàng Co.op Food và Bách Hóa Xanh trên địa bàn phường nhưng hàng hóa ở các cửa hàng tiện lợi này đều đã hết các mặt hàng tôi cần mua. Cụ thể, một số mặt hàng rau xanh không còn, mặt hàng thịt lợn vẫn còn nhưng đó lại là thịt đông lạnh cắt khúc. Thậm chí, những mặt hàng đồ khô như mì tôm, bún phở khô cũng đã rơi vào cảnh hết hàng”, chị Lê Thu Tâm cho biết thêm.
Theo chị Tâm, nếu ai được phát phiếu đi chợ giờ buổi sáng sẽ mua được hàng cần dùng. Đến buổi chiều, hàng hoá sẽ không còn trong khi nguồn cung không kịp bổ sung do giãn cách xã hội. Vì vậy, nhiều người đi chợ buổi chiều hầu như lúc về đều tay không.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Dịu, ngụ ở phường Linh Đông, Thành phố Thủ Đức cho biết: "Dù đã nắm rõ tình hình có phiếu đi chợ mua thực phẩm sẽ phải xếp hàng, thế nhưng tôi không ngờ phải xếp hàng lâu đến như vậy. Đứng đợi gần 1 tiếng đồng hồ mới đến lượt vào trong dù tôi đã tranh thủ đi từ 6 giờ sáng tránh gặp nhiều người, vậy mà khi đến nơi vẫn phải xếp hàng. Cũng may, khu vực tôi ở có siêu thị lớn để có thể mua được hàng hoá thiết yếu cần dùng, chứ những siêu thị nhỏ gần nhà không thể mua được gì”.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, mới đây ngày 30/7, nhiều người dân tại phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức đi chợ đúng ngày theo phiếu đã cấp nhưng vẫn không thể mua được hàng hóa tại siêu thị MM Mega Market An Phú. Nguyên nhân do từ đầu giờ chiều, siêu thị này đã phải đóng cửa không phục vụ vì khách hàng đến mua sắm quá đông. Trước đó, siêu thị này cũng thường xuyên phải đóng cửa vì lý do trên để thực hiện giãn cách trong mùa dịch. Sở dĩ, khách hàng tập trung mua sắm tại đây nhiều do giá cả trong siêu thị này khá rẻ so với các siêu thị khác và nguồn hàng thực phẩm ở đây cũng rất phong phú, tươi ngon mỗi ngày.
Cửa hàng tiện lợi, siêu thị phục vụ không kịp
Theo đại diện các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn, nguồn cung hàng hóa vẫn bị rơi vào tình trạng thiếu hàng cục bộ. Nguyên nhân do trong thời gian dịch bệnh, nhân viên giao hàng thiếu hụt vì nhiều nhân viên trở thành F1, F2 nên phải cách ly tại nhà. Mặt khác, các công ty sản xuất hàng hóa đang thực hiện "3 tại chỗ' nên giảm lao động, do đó nguồn cung hàng hóa cho các hệ thống phân phối cũng giảm...
Theo ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, cộng với việc thực hiện phương châm “ba tại chỗ” đã khiến cho tổng sản lượng sản xuất của công ty bị giảm so với bình thường. Ngoài ra, hiện nay số lao động của công ty đăng ký “ba tại chỗ” chỉ chiếm khoảng một nửa tổng số lao động. Do đó, sản lượng sản xuất giảm nhiều so với mức sản xuất bình thường và khiến nguồn cung ra thị trường cũng thiếu hơn.
"Trước mắt, đơn vị sẽ cố gắng tập trung sản xuất và cung ứng một số sản phẩm chủ lực của công ty để giải quyết nguồn cung đang thiếu hụt. Sau thời gian giãn cách, khi cuộc sống trở lại bình thường mới, đơn vị sẽ đẩy mạnh sản xuất trở lại”, ông Kajiwara Junichi nói.
Trong khi đó, đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh cũng cho biết, những ngày gần đây mặt hàng rau, củ quả, thịt lợn, các sản phẩm ăn liền như mì gói, bún, phở… đang được người tiêu dùng mua sắm nhiều nhất. Thông thường trong buổi sáng, nguồn cung hàng hóa về các cửa hàng rất nhiều. Tuy nhiên, do lượng người mua sắm lớn lên buổi chiều một số mặt hàng rau củ, thực phẩm sẽ thiếu cục bộ. Mặt khác, nguồn hàng đồ khô tại các công ty sản xuất cũng giảm nên nguồn hàng nhập về không nhiều và không đáp ứng được nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân. Cụ thể một số điểm ở các Quận 1, 3, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức… các hàng đồ khô như mì tôm 3 Miền, Gấu Đỏ, Hảo Hảo; các loại bún, phở… được thông báo hết hàng và sẽ bán lại sau dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thực tế nguồn hàng thiết yếu về TP Hồ Chí Minh không thiếu, song các kênh phân phối như siêu thị, điểm bán hàng… hiện không đáp ứng nổi nhu cầu vì quá nhiều chợ bị đóng cửa khiến cho hàng hóa chỗ thiếu, chỗ thừa. Cụ thể, đến nay toàn thành phố hiện chỉ còn 27/237 chợ đang hoạt động, chủ yếu ở các vùng ven, ngoại thành; trong nội đô hầu hết các chợ đã ngưng toàn bộ.
“Vì vậy, áp lực mua hàng thiết yếu dồn hết lên các hệ thống phân phối hiện đại. Trong khi đó, các chuỗi bán hàng hiện đại cũng có nhiều điểm tạm ngưng vì có ca F0, nhân viên bị thiếu hụt vì phải đi cách ly... Ngoài ra, thời gian hoạt động tại siêu thị hiện nay giới hạn từ 7 giờ đến 17 giờ. Điều này khiến thời gian mua sắm của người tiêu dùng bị thu hẹp, dẫn tới việc phân phối hàng hóa tới người dân trở nên khó khăn hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Nguyên Phương chia sẻ.
Để giải quyết tình trạng trên, Sở Công Thương đã có một số đề xuất và được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận, chỉ đạo triển khai. Cụ thể, cần mở lại các điểm cung cấp lương thực, thực phẩm tươi sống thiết yếu ở các chợ truyền thống đang ngừng hoạt động. Phương án này cần được đảm bảo tối đa việc an toàn trong mùa dịch COVID-19. Sở cũng đề nghị các bên liên quan trong trường hợp chợ không tổ chức lại được thì phải bổ sung các điểm bán hàng trong địa bàn quận, huyện; tìm những khu vực trống kẻ ô cho người dân, tiểu thương bán, giới hạn 3-6 người đi mua để giải tỏa việc chờ đọi xếp hàng quá lâu tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong mùa dịch.
Ngoài ra, để giải tỏa áp lực mua sắm hiện nay, một số hệ thống phân phối đang áp dụng phương thức vận chuyển hàng hóa bổ sung bằng xe hai bánh trong bối cảnh đang kiểm soát chặt việc đi lại giữa các quận, huyện.
“Sắp tới, Sở cũng đã đề nghị các quận, huyện hỗ trợ bằng cách tích cực chủ động sử dụng các phương tiện của mình nhận hàng từ các điểm cung ứng hàng hóa. Sau đó, đưa về cho các hệ thống phân phối cung cấp cho người dân càng sớm càng tốt”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.