Cảng Cát Lái là nơi tập trung hơn 70% lượng container xuất nhập của cả nước. Lượng xe container ra vào cảng Cát Lái quá lớn, bình quân khoảng 22.000 xe/ngày đêm, cá biệt có thời điểm lên tới 23.500 xe, khiến tuyến đường ra vào cảng thường xuyên quá tải. Do các tuyến đường ra vào cảng đều phải qua vòng xoay Mỹ Thủy nên ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra.
Tại khu vực nút giao Mỹ Thủy (quận 2), Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) đã đầu tư giai đoạn 1 Dự án nút giao Mỹ Thủy với tổng mức đầu tư gần 8 tỷ đồng, được khởi công từ giữa năm 2016.
Đầu năm 2018, khu đã đưa vào sử dụng hầm chui rẽ trái từ đường Võ Chí Công vào đường Nguyễn Thị Định và cuối tháng 6/2018 thông xe cầu vượt trên đường Vành đai 2. Đây là hai công trình “trọng điểm” của Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 1, giúp giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông ra khu vực ra vào cảng Cát Lái.
Việc đưa vào hoạt động cầu vượt vòng xoay Mỹ Thủy đã giải quyết rất lớn tình trạng ùn tắc giao thông nghiệm trọng tại đây, hạn chế xung đột phương tiện từ cảng Cát Lái về cầu Phú Mỹ (quận 7) với phương tiện từ Vành đai phía Đông về cầu Phú Mỹ. Hiện các hướng giao thông khu vực nút giao Mỹ Thủy khá thông thoáng. Ngoại trừ giờ cao điểm với lưu lượng xe đông, khu vực Mỹ Thủy không còn cảnh ùn tắc, xe container “xếp hàng” kéo dài.
Trong khi đó, tại nút giao thông An Sương (nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ 22), một trong những “điểm đen” về tai nạn cũng như ùn tắc giao thông đã phần nào được giải quyết với Dự án hầm chui An Sương với tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng.
Thực tế, do khu vực này có bến xe An Sương, cùng với nhiều xe container, xe tải lớn lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1 nên trước đây thường xuyên bị ùn tắc nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi nhánh N1 hầm chui An Sương được đưa vào sử dụng tháng 3/2018, giúp giao thông khu vực này thông thoáng hơn, nhất là hướng từ trung tâm Thành phố về Quốc lộ 22.
Ông Lê Văn Độ - Trưởng Ban quản lý Dự án 2 (Khu Quản lý giao thông đô thị số 3) cho biết, đơn vị đã chia ca để thi công “cấp tập” ngày đêm để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng nhánh N1 nhằm giảm áp lực về giao thông khu vực này. Nhánh N2 cũng được triển khai nhanh chóng nhưng không thể hoàn thành trong năm 2018 như dự kiến, do địa phương chưa thể bàn giao mặt bằng (phía huyện Hóc Môn) nên tiến độ dự án bị chậm.
Hiện đơn vị thi công đã hoàn thành các đốt hầm kín nhánh N2 phía Quốc lộ 22 và đang san lấp mặt bằng để các phương tiện có thể lưu thông bình thường. Các khu vực có mặt bằng thi công, Khu đã cho triển khai và sẽ hoàn thành ngay trong năm 2018.
Đối với các đốt hầm (1 đốt hầm kín và 6 đốt hầm hở) phía xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn), khi có mặt bằng, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong 7 tháng. Khi hoàn thiện toàn bộ hai hầm chui nút giao thông An Sương, giao thông sẽ được đảm bảo trong thời gian dài - ông Độ chia sẻ.
Mặc dù vậy, theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện nay, việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn thành phố còn chậm do nhiều nguyên nhân; trong đó, quan trọng nhất vẫn là tìm nguồn vốn đầu tư hoặc các dự án đã xác định vốn chậm hoàn thành do vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thừa nhận, mục tiêu của thành phố trong nhiệm kỳ này là mở rộng 172 km đường giao thông, nhưng đến tháng 6/2018 mới thực hiện được hơn 30%. Nút giao thông An Phú (quận 2) là điểm nghẽn làm ùn tắc giao thông. Thành phố đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bổ sung dự án nút giao An Phú vào Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để giải quyết tình trạng này.
Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có 3 tuyến vành đai (Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4) với tổng chiều dài 351 km. Hiện Vành đai 2 có chiều dài khoảng 64 km, quy mô 6 - 10 làn xe, chưa được khép kín; Vành đai 3 đang được Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu đầu tư và thành phố đang nghiên cứu đề xuất phối hợp đầu tư theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Vành đai 4 hiện chưa xác định được nguồn vốn đầu tư.
Tại buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, nếu để kéo dài tình trạng hạ tầng giao thông như hiện nay, sẽ đến lúc giao thông trở thành “điểm nghẽn” lớn nhất của Thành phố.
Thực tế, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây mới đưa vào, nhưng một số ngày đã bị kẹt; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương bây giờ đã quá tải; trong khi Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, Quốc lộ 1 nối miền Đông - miền Tây cũng đã quá tải.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nếu không điều chỉnh quy hoạch, tránh các đô thị, khu công nghiệp và hình thành trục mới sẽ ảnh hưởng đến phát triển của Thành phố. Nếu dựa vào hạ tầng, các trục đường hiện tại thì trong 5 - 10 năm tới sẽ kẹt cứng về giao thông. Do vậy, các đường Vành đai liên kết khu vực, kết nối các cảng… cần được quan tâm để làm càng nhanh càng tốt.
Sở Giao thông Vận tải Thành phố cho biết, hiện đường Vành đai 2 đã đầu tư được 54,6 km, còn 11 km chưa được đầu tư xây dựng. Đây là tuyến đường cần khép kín toàn tuyến với bề rộng 60 - 120 m, dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và khởi công khoảng giai đoạn 2020.
Vành đai 3 đang được Bộ Giao thông triển khai đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành; đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch kết nối ra nút giao thông Trạm 2 đã phê duyệt dự án đầu tư; đoạn Bình Chuẩn - Long An đang lập dự án đầu tư...
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, thành phố sẽ nỗ lực tạo nguồn lực cho phát triển giao thông thời gian tới. Riêng về dự án Vành đai 3, dự kiến tháng 9/2018, UBND Thành phố sẽ trình HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua tạm ứng vốn ngân sách và tính toán các nguồn lực huy động đầu tư cho phân đoạn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.