Nhiều tiềm năng phát triển
TP Hồ Chí Minh có diện tích lớn đất phèn nặng và bạc màu, phù hợp với điều kiện phát triển của hoa lan. Vì thế, nhiều năm qua người dân đã chuyển đổi từ sản xuất cây nông nghiệp cho thu nhập thấp sang trồng hoa lan cho thu nhập cao, tăng gấp 4-5 lần lợi nhuận, với khoảng 800 triệu/ha. Hiện nay, huyện Củ Chi, Bình Chánh là vùng đất thích hợp để phát triển trồng cây hoa lan nhiều nhất
Ông Nguyễn Văn Thua, trưởng phòng kinh tế huyện Củ Chi cho hay, hoa lan là một trong những cây trọng điểm của huyện, rất phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương cũng như nông nghiệp đô thị. Hiện tại, diện tích trồng hoa lan của huyện là 165 ha, với sản lượng tương đối lớn, khoảng 24 triệu cành mỗi năm và được tiêu thụ ổn định.
Còn ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh) cho biết, diện tích sản xuất hoa lan tại thành phố có có xu hướng ngày càng tăng, tính đến hết năm 2018, diện tích trồng lan đã đạt mốc 375 ha (tăng 21% so với năm 2015). Bên cạnh đó, giai đoạn từ 2010 - 2018 lượng hoa lan cung cấp ra thị trường luôn tăng qua các năm. Năm 2010 đạt khoảng 84,5 triệu cành, đến năm 2018 đã tăng lên gấp 1,6 lần (134,5 triệu cành).
Đánh giá về tiềm năng phát triển cây hoa lan tại TP Hồ Chí Minh, ông Hoàng Hòa, Giám đốc công ty THNH Hoàng Hòa cho rằng, việc phát triển cây hoa lan rất nhiều triển vọng bởi đặc điểm chung của khí hậu TP Hồ Chí Minh là nhiệt độ cao, đều trong năm và có hai mùa mưa - khô rõ ràng, ít có bão, gió lớn, đây cũng là thuận lợi cho nghành sản xuất hoa lan. Cùng với đó, hiện nay nguồn cung hoa lan cho thị trường cả nước hầu như không đủ. Để đáp ứng cho thị trường nội địa, người dân Việt Nam hàng năm phải chi hàng tỷ đồng để nhập khẩu hoa lan từ các nước láng giềng chỉ để đáp ứng cho thị trường nội địa.
Cần đầu tư nghiên cứu lai tạo cây giống
Tiềm năng phát triển sản xuất hoa lan tại thành phố tuy còn rất lớn, nhưng để phát triển bền vững cho cây hoa lan tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng, sản xuất cây hoa lan còn mang tính nhỏ lẻ, chưa được đầu tư cao về chất xám, công nghệ sinh học; trang bị máy móc, giá vật tư nông nghiệp và công lao động tăng nhanh nên chi phí sản xuất còn khá cao và hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung để tạo ra sản phẩm đủ lớn đáp ứng nhu cầu thị trường; chưa hình thành được khu vực tiêu thụ hoa tập trung; giá cả hoa lan không ổn định; vốn đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn chậm, nông dân ngại bỏ vốn đầu tư.
Hiện Việt Nam cũng có các phòng nuôi cấy mô nhưng ở qui mô nhỏ, chất lượng và số lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường nên nguồn giống chủ yếu là nhập từ Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc)... giống lan tại TP Hồ Chí Minh cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn giống ngoại nhập. Để có thể nhân giống nhanh hoa lan, cần áp dụng phương pháp nhân giống bằng nuôi cấy mô, hiện đang được các quốc gia trên thế giới áp dụng.
Ông Nguyễn Văn Thua cho biết, công tác nghiên cứu và lai tạo giống tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; các giống lan hiện đang trồng đa số được nhập từ nước ngoài, giá giống khá cao. Để phát triển cho tiêu dùng nội địa và tạo lợi thế canh tranh trong xuất khẩu hoa lan của thành phố, theo ông Tiến, cần kêu gọi và hỗ trợ đầu tư mở rộng năng lực sản xuất giống cấy mô đồng bộ về số lượng và chất lượng, giảm dần tỉ trọng nhập khẩu giống từ nước ngoài; xúc tiến liên kết với các doanh nghiệp nhân giống từ nước ngoài nhằm giảm bớt áp lực chất lượng giống không đồng đều và giá giống phụ thuộc lớn vào biến động tiền tệ của nước xuất khẩu giống…
Song song đó, tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, lai tạo giống. Sưu tập, thuần hóa và làm nguồn lai tạo các loài lan rừng đặc hữu của Việt Nam, tiến đến đăng ký bản quyền quốc tế giống lan đã thuần hóa và lai tạo. Nghiên cứu kỹ thị trường hoa lan nội địa và nước ngoài nhằm xây dựng mối liên kết 4 nhà và chính sách phát triển hoa lan phù hợp, hiệu quả và bền vững.
Theo Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh), hàng năm giá trị xuất khẩu từ ngành lan của Việt Nam đạt trên 4 triệu USD, trong đó Nhật Bản, Mỹ là các quốc gia nhập khẩu hoa lan hàng đầu của Việt Nam (Nhật Bản chiếm khoảng 72,5% và Mỹ chiếm 11,3 % trên tổng giá trị xuất khẩu hoa lan của Việt Nam), các thị phần còn lại là các quốc gia Singapore, Australia, Hong Kong (Trung Quốc), Ả Rập, Hà Lan…