Rau xanh, thịt lợn tăng giá do khâu vận chuyển
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, nguồn cung các mặt hàng rau xanh, thịt, cá... tại TP Hồ Chí Minh có thời điểm rơi vào tình trạng khan hiếm, cộng với chi phí vận chuyển, chi phí xét nghiệm COVID-19 cho lái xe, bốc xếp... đã đẩy giá bán các loại thịt, cá, rau củ… tăng vọt. Thậm chí, có địa bàn, người dân không mua được các thực phẩm thiết yếu vì thiếu nguồn cung cục bộ, hoặc vì giá quá cao so với bình thường.
Chị Lê Thu Hiền, ngụ ở đường Hòa Hảo (Quận 10) cho biết, chưa khi nào chị thấy đi siêu thị mua thực phẩm thiết yếu mà vất vả như hiện nay. Hôm qua, chị đã phải xếp hàng hơn một giờ để tới lượt vào cửa hàng tiện lợi gần nhà; tuy nhiên, khi vào trong thì nhiều mặt hàng rau xanh, thịt, cá… cũng đã không còn. Để có được thực phẩm dùng hàng ngày, chị Hiền đành phải nhờ người nhà ở tỉnh Đồng Nai mua dùm các loại rau xanh, cá thịt rồi đóng thùng, tìm cách chuyển lên TP Hồ Chí Minh.
“Hiện giá thịt lợn pha lóc tăng từ 120.000 đồng/kg lên 150.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm đã tăng lên 180.000 đồng/kg. Rau xanh các loại tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg tùy loại. Tuy giá tăng nhưng nhiều lúc cũng không mua được thực phẩm”, chị Hiền cho biết.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện giá thịt lợn hơi tại các trang trại ở Đồng Nai khá rẻ, chỉ từ 30.000-40.000 đồng/kg, tuy nhiên chi phí cho các khâu trung gian lại đang tăng khá cao.
"Nguyên nhân do khâu phân phối khó khăn vì phải tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch như xét nghiệm, kiểm soát tài xế từ vùng dịch TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh… Hệ quả là giá bán lẻ đến người tiêu dùng chênh nhau khá cao so với giá tại trang trại. Điều này đang khiến cả người chăn nuôi và người tiêu dùng phải thiệt thòi. Thực tế, việc lưu thông bị tắc giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đã được đề cập nhiều, nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ ”, ông Nguyễn Trí Công cho biết.
Chị Vũ Hồng Bích, tiểu thương bán rau xanh tại chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, những ngày gần đây, khâu vận chuyển bị siết rất chặt, đồng thời tất cả lái xe từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố khác đều phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19. "Hàng hóa từ Đà Lạt về TP Hồ Chí Minh trước đây chỉ cần qua 2-3 trạm kiểm soát, thì nay đã tăng lên thành 5-6 trạm. Mỗi lái xe từ TP Hồ Chí Minh khi đến Đà Lạt nhập hàng đều phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 và khi quay trở lại TP Hồ Chí Minh cũng phải làm xét nghiệm một lần nữa", chị Bích cho biết.
Cũng theo chị Hồng Bích, quy định lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 đã làm phát sinh thêm chi phí, kéo dài thời gian giao hàng bị chậm trễ so với dự kiến. Theo đó, lái xe muốn có giấy xác nhận âm tính với COVID-19 phải làm xét nghiệm nhanh, giá thấp nhất cũng 230.000 đồng/lần hoặc chọn làm xét nghiệm RT-PCR mất hơn 700.000 đồng/lần, có nơi còn mất đến 2 triệu đồng/lần. Do đó, để có một chuyến hàng thông suốt từ các tỉnh về tới TP Hồ Chí Minh, chị Bích phải bù thêm tất cả chi phí cho khâu vận chuyển, dao động từ 3-4 triệu đồng/xe, tuy nhiên thời gian giao nhận hàng cũng bị chậm hơn trước từ 5 - 8 tiếng, thậm chí chậm thêm một ngày. Cũng vì các chi phí trong khâu vận chuyển hàng hóa tăng lên, chị Bích cũng phải điều chỉnh giá bán rau, củ quả tăng lên từ 10-15%.
Theo chị Bích, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã triển khai cấp mã nhận diện QRCode để xe đi vào làn xanh ưu tiên, nhưng mã quét này cũng đang có bất cập: Chưa thể hiện được lộ trình xe đi từ đâu đến đâu nên dẫn đến việc xe qua trạm nào cũng bị dừng lại để kiểm tra. Điều này khiến việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh mất nhiều thời gian và còn gia tăng sự tiếp xúc, ùn ứ không nên có ở các trạm, kéo theo nhiều chi phí khác không cần thiết.
Vướng quy định giấy xét nghiệm COVID-19
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn APT, kiêm Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, các thành viên của hội phản ánh việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng bình ổn thị trường và phục vụ cho người dân TP Hồ Chí Minh đang bị ách tắc.
Hiện Công ty APT đang cung ứng cá ba sa cho hệ thống siêu thị Big C và nhiều hệ thống siêu thị khác, tuy nhiên vùng nguyên liệu cá ba sa nằm ở các tỉnh miền Tây như An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp… nên không thể đưa được cá về TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là không có xe vận chuyển, hoặc xe không thể ra được khỏi tỉnh, nên không về được TP Hồ Chí Minh. Mặt khác, trước đây, cá từ miền Tây lên TP Hồ Chí Minh sẽ về chợ Bình Điền, nhưng nay chợ tạm đóng cửa, nên không có điểm để nhận hàng hóa.
Theo ông Trương Tiến Dũng, mặc dù các công ty thực phẩm, thủy sản đang cố gắng duy trì nguồn hàng cung ứng cho người dân để không bị đứt gãy, nhưng thực tế phát sinh nhiều vướng mắc khiến họ rất "đuối", nhất là gánh nặng chi phí xét nghiệm COVID-19.
“Hội viên của chúng tôi rất muốn phục vụ bữa ăn hằng ngày của người dân TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên lại gặp quá nhiều rào cản. Chẳng hạn, chúng tôi tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch như làm các thủ tục xét nghiệm đầy đủ, chấp nhận chi phí tăng cao... nhưng dù có đầy đủ giấy tờ theo quy định, một số tỉnh miền Tây vẫn không cho chúng tôi vào nhập hàng, hoặc có tỉnh quy định thời gian vào nhập hàng trong tỉnh quá ít (nhận và giao hàng trong 24 giờ phải rời khỏi tỉnh) khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, cuối cùng là không giải quyết được nguồn cung cho người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh”, ông Trương Tiến Dũng phản ánh.
Cùng cảnh ngộ, đại diện hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh cho biết, đơn vị đang gặp khó khăn khi vận chuyển hàng hóa thiết yếu về kho hàng Thốt Nốt, Cần Thơ. Đây là kho hàng phục vụ 200 siêu thị tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Theo đó, xe đi từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương dù lái xe có xét nghiệm âm tính với COVID-19, đã thông qua trạm Vàm Cống, Thốt Nốt và trạm dưới chân cầu Cần Thơ, nhưng khi vào trung tâm thành phố Cần Thơ vẫn phải dừng lại, đổi lái xe là người Cần Thơ (có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19) thì xe mới được vào thành phố nhập hàng. Nếu lái xe là người nơi khác thì sẽ không được vào thành phố Cần Thơ nhập hàng.
“Việc mất thời gian tìm lái xe cho đúng quy định của các tỉnh có thể dẫn đến tình trạng trì trệ, ùn tắc hàng hóa. Nhiều nhà cung cấp không thể chờ đợi vì hàng thực phẩm để lâu sẽ bị hư hỏng nên họ chuyển nhà cung cấp khác. Còn đối với các xe hàng chấp nhận chờ đổi lái xe vào nhận hàng thì dẫn đến tình trạng hàng hóa chờ quá lâu khiến hàng hư hỏng, buộc chúng tôi phải hủy hàng tươi sống, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp”, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết thêm.
Trong khi đó, theo đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam, các bệnh viện đều quá tải xét nghiệm COVID-19, nên lái xe phải xếp hàng chờ cả ngày và chi phí xét nghiệm tăng cao, lên đến 2-2,5 triệu đồng/lần (xét nghiệm RT-PCR) tại các tỉnh, thành phố. Lái xe phải đợi sau 12-24 giờ mới có giấy chứng nhận, trong khi hiệu lực test chỉ có giá trị trong vòng ba ngày. Thậm chí, mặc dù lái xe có xét nghiệm RT-PCR và có giấy đi đường của siêu thị nhưng các tỉnh, thành như Cần Thơ, Bạc Liêu... đều không cho xe vào giao nhận hàng.
Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đề nghị Bộ có ý kiến gấp với Thủ tướng Chính phủ để có các chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời những bất cập này.
"Thứ nhất, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng thống nhất chỉ đạo, áp dụng đồng bộ giữa các Bộ và các tỉnh, nâng thời gian có hiệu lực cho giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 là trong vòng 7 ngày. Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng thống nhất việc áp dụng test nhanh, thay vì test RT-PCR trong việc kiểm soát người từ nơi khác tới, bao gồm cả lái xe. Thực hiện test nhanh tại các điểm kiểm soát đối với các giấy xét nghiệm hết hiệu lực trong vòng 24 giờ nhằm giải quyết nhanh, tránh gây ách tắc giao thông và chất lượng của hàng hóa vận chuyển", đại diện VASEP đề nghị.
Liên quan đến việc giải quyết lưu thông cho các xe chở hàng hóa thiết yếu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GTVT và UBND 19 tỉnh khu vực phía Nam nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh trong mùa dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đề nghị các tỉnh phải quan tâm sâu sắc đến hoạt động vận tải hàng hóa, cũng như quan tâm tới lực lượng lao động vận tải hàng hóa hiện nay. Bộ trưởng cũng đề nghị những địa phương có áp dụng Chỉ thị 15 và 16 cần rà soát lại luồng xanh, đồng thời phải công bố rõ ràng, minh bạch để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Nếu các luồng xanh quá tải, có thể trao đổi để thành lập thêm luồng xanh nhằm giải tỏa ách tắc, ùn ứ.