Đảm bảo nguồn cung
Ngày 1/6, sau khi đi thực tế khảo sát nguồn cung hàng hóa cung ứng trong mùa dịch tại TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh và Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã điều tiết, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khá tốt.
TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện nghiêm các chỉ đạo của các Bộ, ngành với phương châm “4 tại chỗ”, "3 sẵn sàng” đã triển khai xây dựng tốt kế hoạch đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong mùa dịch COVID-19.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã động viên các doanh nghiệp bình ổn thị trường và các doanh nghiệp khác cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường nguồn cung, chủ động đẩy mạnh sản xuất và tăng năng suất từ 50 - 100% sản lượng. Đối với các địa điểm phân phối trên địa bàn, đều có kế hoạch, phương án tăng cường dự trữ hàng hóa từ 2-3 lần, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Đặc biệt, ba chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh cũng đã tăng cường nhập hàng, bình quân tăng 58% so với ngày thường, đạt 13.000-17.000 tấn/đêm.
“Đây là những phương án hết sức quan trọng, bởi thiếu thực phẩm thiết yếu sẽ ảnh hưởng tâm lý rất lớn đến người dân, ảnh hưởng đến các hành vi khó kiểm soát, nhất là trong mùa dịch và Thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, để đảm bảo nguồn cung cho các khu vực giãn cách xã hội, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cần thông báo trước cho các doanh nghiệp đầu mối, nhà cung ứng để họ đưa lương thực, thực phẩm thiết yếu vào trước khi bị giãn cách xã hội; tránh trường hợp như vừa qua khi quận Gò Vấp bị giãn cách khiến cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa thiết yếu vào Gò Vấp gặp khó khăn.
Chia sẻ thông tin về nguồn cung hàng hóa trong mùa dịch, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang rất quyết tâm thực hiện các biện pháp cần thiết để chống dịch, toàn Thành phố phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và một phường của Quận 12 phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Theo đó, đơn vị đã kích hoạt liên kết 22 tỉnh, thành trong chương trình kết nối cung cầu và bình ổn thị trường theo chỉ đạo thống nhất từ Bộ Công thương. Hàng hóa hiện nay đầy đủ, các doanh nghiệp đều có phương án dự phòng, các mặt hàng không khan hiếm, không tăng giá.
“Sở cũng đã yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh dịch vụ bán hàng online để giảm tiếp xúc, tụ tập đông người, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Với sự vào cuộc sẵn sàng như vậy, chúng tôi đảm bảo hàng hóa thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh không thiếu trong những ngày tới, mong bà con bình tĩnh, không đổ xô đến các siêu thị, chợ đầu mối để mua hàng, ảnh hưởng đến việc chống dịch của cả Thành phố", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Cần thực hiện nghiêm công tác phòng dịch
Theo đại diện các hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, hiện các đơn vị đã chủ động dự trữ hàng hoá thiết yếu, sẵn sàng phục vụ người dân với nguồn hàng thích ứng từng kịch bản chống dịch khác nhau, trong đó có phương án cho cấp độ giãn cách xã hội. Thực tế, nguồn hàng từ tỉnh về TP Hồ Chí Minh vẫn thông suốt, duy trì ổn định. Do nguồn cung hàng hoá dồi dào nên giá cả trong các siêu thị đang có xu hướng giảm nhẹ. Công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng được các siêu thị, trung tâm thương mại chấp hành nghiêm túc.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, trong hai ngày cuối tuần vừa qua, hệ thống siêu thị ghi nhận lượng khách mua sắm tăng cao. Với nguồn hàng dồi dào và ổn định trong thời gian dài, khách hàng hoàn toàn yên tâm mua sắm. Thậm chí, Saigon Co.op đang có nhiều chương trình hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản đang vào mùa nên giá cả rất tốt. "Trong thời gian này, người dân yên tâm thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thành phố, tuyệt đối không đổ xô đến các siêu thị mua hàng, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh", ông Nguyễn Anh Đức nói.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, công tác phòng chống dịch bệnh tại siêu thị đang được thực hiện nghiêm ngặt, 100% nhân viên tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi vào ca và hết ca. Các khu vực thực phẩm thiết yếu, khu vực hàng hóa gia dụng, khu vực nhập hàng... được xịt khuẩn thường xuyên. Đối với khách mua hàng tại siêu thị được yêu cầu phải đeo khẩu trang mới được vào mua sắm, nếu không sẽ được mời ra ngoài…
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau khi khảo sát tại các trung tâm thương mại, siêu thị, đa phần người dân thành phố đã thực hiện tốt về khoảng cách, sát khuẩn, đeo khẩu trang... Tuy nhiên, tại chợ đầu mối, chợ dân sinh vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chẳng hạn như người dân còn lơ là trong việc đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách khi tiếp xúc, vẫn còn đông người trong chợ…
“Tuy nhiên, các trung tâm thương mại, siêu thị mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu thiết yếu lương thực thực phẩm của người dân TP Hồ Chí Minh, còn lại 70% chủ yếu từ 3 chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh và chợ dân sinh. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần quan tâm hơn nữa đến công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các khu chợ trên”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, bà con tiểu thương, buôn bán tại chợ đầu mối cũng chính là những người tuyến đầu chống dịch và họ có đóng góp rất lớn cho việc duy trì hoạt động cung ứng thực phẩm hàng ngày cho người dân, vì thế đây đối tượng cần quan tâm ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 sắp tới. Việc tiêm vaccine cho các tiểu thương chợ đầu mối cũng giúp Thành phố hoàn thành mục tiêu vừa phòng dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.