Nâng chất đào tạo đại học
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc phát huy sức mạnh của ngành giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng để đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực trình độ quốc tế là nhiệm vụ rất quan trọng của thành phố. Trong thời đại hiện nay, hệ thống giáo dục phải tập trung vào phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Điều này cần được áp dụng ở tất cả cấp học, bậc học, trình độ đào tạo.
Đặc biệt, đối với các trường đại học, thành công của một trường đại học không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên hay vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế mà còn là sự phát triển bền vững và lâu dài của sinh viên trong môi trường hội nhập, quốc tế hóa.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 54 trường đại học, học viện với khoảng 500.000 sinh viên đang theo học. Hàng năm tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt khoảng 80%; đồng thời thành phố cũng là nơi tập trung đội ngũ giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đây là nguồn lực rất lớn mà thành phố đặc biệt quan tâm phát huy.
Để phát huy nguồn lực từ các viện, trường, UBND thành phố đã thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố gồm các khối ngành, sư phạm, sức khỏe, kỹ thuật, công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, du lịch, xã hội và nhân văn, kinh tế, chính trị - pháp luật. Hội đồng nhằm trao đổi chuyên môn, học thuật, kinh nghiệm quản trị nhà trường, nâng cao hiệu quả đào tạo. Hội đồng hiệu trưởng đã phát huy tốt vai trò tham vấn đối với các chương trình hành động của thành phố và những vấn đề cấp thiết của đời sống xã hội.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thành phố đang tập trung triển khai các bước đi để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, đồng thời cải thiện nguồn vốn con người đáp ứng các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới, chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính vì vậy, định hướng trong công tác giáo dục đào tạo nói chung và định hướng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới.
Xây dựng nguồn nhân lực có trình độ quốc tế
Dưới góc độ đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển nền kinh tế tri thức cần coi nhân lực là điểm tựa, khoa học công nghệ là đòn bẩy. Với quan điểm, giáo dục theo định hướng thị trường; trong đó, các bên liên quan đều là khách hàng, thành phố sử dụng nhân lực thì nên có cơ chế toàn diện để "đặt hàng" đơn vị đào tạo. Ngoài ra, cần mạnh dạn nghiên cứu xây dựng trung tâm cải tiến phương pháp và công nghệ giảng dạy, xây dựng mô hình đại học dựa trên nền tảng công nghệ để có những tài liệu hỗ trợ sự phát triển chung.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, để khắc phục những yếu kém về chất lượng lao động, việc đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế là một trong những chiến lược đột phá tạo nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế quốc gia. Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học được xem là phương án tối ưu giúp giải quyết các khó khăn, thách thức đối với chất lượng nhân lực hiện nay.
Nhìn nhận thực tế, Tiến sĩ Lê Lan Chi, Trường Đại học Sài Gòn nhận định, để nâng chất đào tạo, việc tăng cường các chương trình đào tạo liên kết quốc tế là biện pháp hiệu quả, khả thi nhất hiện nay. Theo thống kê, đến năm 2019, thành phố đã có hơn 30 chương trình liên kết đào tạo trình độ từ đại học trở lên, ở các trường công lập lẫn ngoài công lập. Các quốc gia hợp tác chủ yếu là Hoa Kỳ, Anh, Singapore, Hàn Quốc… Các nhóm ngành liên kết nhiều nhất là quản trị kinh doanh, kỹ thuật, tài chính - ngân hàng và công nghệ thông tin.
Định hướng về đào tạo nhân lực trình độ quốc tế thời gian tới, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, một số lĩnh vực thành phố cần tập trung đó là công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; tự động hóa về người máy; y tế; quản trị doanh nghiệp; tài chính ngân hàng; du lịch.
Về giải pháp, thành phố cần có chương trình đồng bộ hướng tới nguồn nhân lực trình độ quốc tế trong dài hạn; trong đó, UBND thành phố nghiên cứu thành lập hội đồng tư vấn về đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài; có cơ chế tài chính, hỗ trợ người học trường chất lượng cao; có chương trình cho vay kích cầu cho các trường có định hướng phát triển quốc tế. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh hơn giáo thông minh và trường học thông minh; đổi mới phương thức quản trị tại các trường từ phổ thông đến đại học.
Mặt khác, thành phố đẩy mạnh liên kết hợp tác quốc tế, phát triển mạnh mẽ hợp tác công - tư theo từng nhóm chuyên đề khác nhau để các trường tham gia một cách hiệu quả, nhưng nhóm nâng cao hiệu quả dạy và học ngoại ngữ; nhóm hợp tác đào tạo giáo viên; nhóm triển khai các chương trình đào tạo quốc tế; kiểm định chất lượng giáo dục; hợp tác trong việc nâng cao trình độ quản lý của nhà trường; triển khai các chương trình khởi nghiệp sáng tạo; chuyển giao công nghệ mới và phát triển công nghệ mới.
Trong định hướng phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 2020-2025, Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng xác định: Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục -đào tạo; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học, đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề.
Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đào tạo nhân lực trình độ cao trong các ngành công nghiệp, dịch vụ chủ yếu, 8 ngành dịch chuyển lao động tự do trong khối ASEAN và ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát huy mô hình “đào tạo kép”; tăng cường nghiên cứu khoa học giáo dục nghề nghiệp gắn với thực tế sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động xã hội của thành phố.
Bài cuối: Thúc đẩy kết nối vùng