Phát huy vai trò của kinh tế tư nhân
Nhấn mạnh những năm qua, kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng khá nhưng chưa phải đã khai thác hết tiềm năng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phân tích, năm 2005, đầu tư của thành phố, nhà nước chiếm 32%, còn lại là doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài. Dự kiến, năm 2020, đầu tư của nhà nước chỉ còn 16%, còn lại 84% là doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài. Đầu tư của nhà nước chủ yếu dành cho phát triển hạ tầng kinh tế - dịch vụ là chính; nhà nước sẽ không đầu tư vào việc sản xuất, kinh doanh cơ bản.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, động lực tăng trưởng kinh tế từ 2020 chính là doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài. Muốn tăng trưởng cao hơn nữa, không phải tăng đầu tư của nhà nước mà làm sao để đầu tư của nhà nước cùng với quy hoạch và chính sách của nhà nước có vai trò dẫn dắt cho đầu tư của tư nhân và đầu tư nước ngoài phát triển. Điều này đòi hỏi môi trường đầu tư phải có sự thay đổi, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và bắt kịp nhu cầu của xã hội, thị trường quốc tế.
Người đứng đầu đảng bộ TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, khi cơ cấu về kinh tế thay đổi, nguồn lực thay đổi thì vai trò nhà nước cũng phải chuyển đổi theo. Chương trình 5 năm tới phải được thiết kế theo hướng đó; trong đó, vai trò của nhà nước là quy hoạch, đầu tư hạ tầng và chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ như giao đất, thuế, hỗ trợ tiếp thị, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung… mà không phải bằng tiềm lực trực tiếp kinh tế nhà nước.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc đầu tư nguồn vốn ngân sách vào hạ tầng giao thông sẽ giúp tăng cường thu hút và đa dạng các hình thức đầu tư tư nhân, FDI vào các hoạt động du lịch, lữ hành và các ngành nghề liên quan.
Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI của Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng nêu rõ, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng trở thành một động lực quan trọng của kinh tế thành phố. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo các xu hướng thế giới, đặc biệt là các xu hướng của thị trường thế giới nhằm kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp.
Thành phố cũng thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu; phát triển kinh tế hợp tác với mô hình hợp tác xã kiểu mới, thu hút ngày càng nhiều nông dân và các hộ kinh doanh tham gia kinh tế hợp tác.
UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; tập trung nguồn lực phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; quan tâm phát triển kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, nâng cao tỷ trọng yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP), sử dụng toàn diện và hiệu quả các nguồn lực, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Để các ngành đóng góp nhiều cho GRDP, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thêm vốn kinh doanh, lĩnh vực đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả. Thành phố rà soát quỹ đất để phục vụ cho doanh nghiệp thành lập mới sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh, củng cố 10 chỉ số liên quan năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phục vụ doanh nghiệp phát triển.
Đảm bảo điều kiện phát triển
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố cho hay, thành phố tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyềt 54 của Quốc hội; trong đó, hoàn thành Để án điều chỉnh tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (tháng 5 năm 2020 trình đề án chính thức), nhằm tăng tỷ lệ điều tiết hợp lý đối với TP Hồ Chí Minh để đảm bảo thành phố có điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, việc đề xuất này rất quan trọng, bởi TP Hồ Chí Minh là địa phương tự đảm bảo cân đối ngân sách và tỷ lệ số thu nộp về ngân sách Trung ương cao nhất trong 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, số thu ngân sách thực tế được hưởng ngày càng giảm do tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố có xu hướng giảm qua từng thời kỳ ổn định ngân sách. Năm 2003, tỷ lệ điều tiết là 33% và đến thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 tỷ lệ điều tiết của thành phố chỉ còn được hưởng 18%.
“Qua nghiên cứu sự phát triển của nhiều quốc gia và các thành phố lớn trên thế giới, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của các địa phương trên 10 triệu dân bình quân là 46,43%, thấp nhất là 33,09% (Paris). Vì vậy, thành phố đề nghị nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương của Tp. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phố khác; trong đó tăng tỷ lệ điều tiết đối với TP Hồ Chí Minh từng bước trong 10 năm 2020 - 2030 từ 18% lên 33% nhằm đảm bảo thành phố có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, hiện nay, đã có những dấu hiệu cho thấy, TP Hồ Chí Minh đang "thấm mệt". Điều này thể hiện rõ ở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông xuống cấp, tắc nghẽn giao thông trầm trọng; ô nhiễm môi trường về không khí, tiếng ồn… ngày càng căng thẳng. Bên cạnh đó, sự quá tải của hệ thống trường học, bệnh viện ngày càng gia tăng.
“Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cũng để TP Hồ Chí Minh có điều kiện hơn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; có điều kiện đầu tư, xây dựng bộ mặt thành phố tốt hơn và có điều kiện sánh vai với các cường quốc năm châu. Qua đó, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ có điều kiện để tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, đóng góp ngân sách quốc gia nhiều hơn”, PGS. TS Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Song song đó, TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương tiếp tục triển khai Để án "Xây dựng TP Hồ Chí Minh thành thành phố thông minh giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến năm 2025"; hoàn thành quy hoạch và triển khai Để án xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đây là vùng động lực mới để phát triển kinh tế thành phố trong thời kỳ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư thuộc thẩm quyền Thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Thành phố cũng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thực tiễn phát triển của thành phố; tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng giữa nền kinh tế chia sẻ với mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; chú trọng an ninh mạng, thực hiện cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro, giải quyết các vấn đề nảy sinh về lao động, việc làm, an sinh xã hội... trong hoạt động kinh tế chia sẻ.
Bài 3: Phát triển ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao