Có thế nói, TP Hồ Chí Minh được coi là trung tâm sản xuất, phân phối, trung chuyển, tiêu thụ hàng hóa sôi động nhất cả nước, với quy mô thị trường chiếm hơn 25% của cả nước. Vì vậy, việc giữ ổn định thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng mà Thành phố hướng tới. Để thực hiện được mục tiêu trên, ngay từ đầu năm 2012, Thành phố đã thực hiện nhiều ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại với các tỉnh Miền Đông, Miền Tây Nam Bộ.
Đảm bảo nguồn cung dồi dào
Theo đánh giá của các địa phương và doanh nghiệp, thời gian qua chương trình hợp tác thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông – Tây Nam bộ đã giúp Thành phố thực hiện tốt vai trò của một trung tâm phân phối và tiêu thụ hàng hóa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các tỉnh, thành phát triển. Ngược lại, các tỉnh, thành trở thành nơi cung ứng hàng hóa dồi dào, chất lượng, góp phần cùng thành phố bình ổn thị trường giá cả.
Với nội dung ký kết chủ yếu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh là thực hiện việc tiêu thụ hàng nông sản, đặc sản của các địa phương tại thành phố và cung ứng con giống, thực phẩm chế biến của doanh nghiệp TP tại các tỉnh, thành. Theo đó, tính từ năm 2012 đến nay đã có 425 hợp đồng được ký kết. Ví dụ như Liên hiệp HTX Thương mại Saigon Co.op ký kết tiêu thụ sản phẩm, hợp tác sản xuất hàng nhãn riêng với 104 nhà cung cấp tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, doanh số đạt 925,43 tỷ đồng. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cung cấp 53.928 con heo hậu bị, heo con giống đến các trang trại chăn nuôi tại 23 tỉnh, thành trên cả nước; trong đó cung ứng 42.170 con tại 15 tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ, chủ yếu là hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương…
Các sản phẩm nông sản của các tỉnh Tây Nam Bộ được đem tới tận tay người tiêu dùng nhờ các chương trình kết nối thương mại của Thành phố. |
Mặt khác, chỉ tính riêng 3 chợ đầu mối của thành phố tiếp nhận bình quân 8.000 tấn/ngày các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương tương ứng khoảng từ 60% - 70% nhu cầu tiêu thụ của thành đối với các mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản.
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp của thành phố còn thúc đẩy việc liên kết đầu tư vào các tỉnh để phát triển sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào. Ví dụ như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đã triển khai 7 dự án tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang…tập trung vào chuỗi cung ứng, sản xuất thực phẩm an toàn, phát triển nguồn nguyên liệu sạch cung cấp trở lại cho TP và các địa phương. Công ty Vissan triển khai 5 dự án chăn nuôi và liên kết chăn nuôi tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, An Giang, Long An… với tổng vốn đầu từ khoảng 600 tỉ đồng và tiêu thụ gần 2.400 tỉ đồng/năm…
Đưa hàng hóa tới người tiêu dùng
Không chỉ dừng lại ở việc liên kết thương mại với các tỉnh mà TP Hồ Chí Minh luôn đảm bảo có nguồn cung hàng hóa dồi dào, ổn định thị trường giá cả. Ngược lại, với chương trình liên kết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TP cũng đã phát triển tốt mạng lưới tiêu thụ hàng hóa bình ổn giá cả tại các tỉnh, thành. Ví dụ như Vinamilk, Nutifood, Vissan, Cầu Tre, Minh Tiến, Trương Vui, Hương Mi, Fahasa… Điều đặc biệt là hầu hết các doanh nghiệp trên đều đã thực hiện chính sách “một giá” do các sở, ngành của Thành phố phê duyệt, do đó cũng góp phần ổn định thị trường tại các địa phương.
Việc liên kết thương mại với TP Hồ Chí Minh còn giúp các tỉnh thành đưa hàng hóa chất lượng đến với nhiều kênh phân phối, tiếp cận được nhiều người tiêu dùng.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho rằng, chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa tạo điều kiện cho sản xuất và xây dựng vùng nguyên liệu tốt. Sự phối hợp này mang lại hiệu quả cao. Nhờ có kết nối hàng hóa với TP Hồ Chí Minh, năm 2013, các doanh nghiệp trong tỉnh đã xúc tiến được 80 tỷ đồng hàng hóa vào thị trường thành phố. Năm 2014, An Giang tiếp tục đẩy mạnh ký kết với Satra phát triển chăn nuôi bò, cùng với Sài Gòn Coop xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm.
Nhờ có nguồn cung dồi dào từ các tỉnh, thành địa phương đã giúp các doanh nghiệp TP bình ổn giá cả thị trường nhiều mặt hàng thiết yếu. |
Với vai trò là thị trường truyền thống trong việc cung cấp nguyên liệu cho TP Hồ Chí Minh, đến nay ngành nông nghiệp Long An ngày càng trở lên lớn mạnh hơn. Với khoảng 80 ngàn con bò, 260 ngàn con heo, 8 triệu gia cầm Long An trở thành địa chỉ quen thuộc của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm thành phố như: Ban Huân, San Hà, Vissan…. Hiện, các doanh nghiệp này cũng đã đầu tư và đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho nông dân tỉnh Long An.
Ông Đặng Văn Lớp, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho rằng, nhờ có chương trình hợp tác thương mại với TP Hồ Chí Minh mà ngành chăn nuôi của tỉnh có điều kiện phát triển hơn. Các doanh nghiệp phân phối, sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh nhờ vậy mà có “đầu ra” để yên tâm sản xuất. Mặt khác, các DN phân phối lớn của các tỉnh, thành bạn như Doanh nghiệp tư nhân Tứ Sơn (An Giang), hộ kinh doanh Bá Phát (Đồng Tháp)… cũng tìm kiếm được nguồn hàng dồi dào, ổn định từ thị trường tại Long An.
Ông Phạm Minh Sơn, Đại diện doanh nghiệp Tứ Sơn cho hay: “Việc gắn kết trong cung cấp, bao tiêu và phân phối sản phẩm đã phát triển tốt thị trường nội địa nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Bởi chỉ tính riêng siêu thị Tứ Sơn hiện đã có 80% sản phẩm được kết nối với thành phố và các tỉnh bạn. Do đó có thể nói nếu như không có kết nối với thành phố, các tỉnh bạn thì siêu thị Tứ Sơn không có gì để bán."
Vì vậy, để phát huy hiệu quả hơn nữa của chương trình, từ nay đến cuối năm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông, Tây Nam Bộ sẽ tiếp tục ngồi lại để cùng bàn bạc về những khó khăn, vướng mắc để từ đó thực hiện chương trình ngày càng tốt hơn.
Bài, ảnh: H.Tuyết