Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn hỗ trợ trực tiếp cho người nuôi phương pháp điều trị bệnh cho tôm, hướng dẫn quy trình cải tạo xử lý ao nuôi và khuyến cáo người nuôi chậm thả tôm giống cho đến khi thời tiết thuận lợi. Nếu thả giống chỉ nên thả rải vụ để thăm dò, thấy tôm phát triển tốt mới tiếp tục thả đồng loạt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng khuyến cáo người nuôi thực hiện tốt quy trình nuôi tôm do ngành hướng dẫn. Các hộ nên nuôi theo 2 giai đoạn: Ương dưỡng giống tôm khoảng 1 tháng, sau đó mới chuyển sang ao nuôi. Đồng thời, nên áp dụng các biện pháp sinh học như thả cá rô phi hoặc lấy nước từ ao nuôi cá rô phi để nuôi.
Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang tập trung khắc phục tình trạng tôm chết. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN |
Đối với những ao nuôi tôm đã bị thiệt hại, phải có thời gian cải tạo lại ao nuôi tối thiểu 1 tháng hoặc ngưng nuôi, chờ đến mùa mưa mới tiếp tục thả giống; phải xử lý trước khi xả nước ra môi trường để hạn chế lây lan diện rộng. Khi cải tạo ao nuôi, chất thải phải được đưa vào ao chứa thải, tuyệt đối không thải thẳng ra môi trường.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng tăng cường quản lý vật tư đầu vào trong nuôi tôm; phối hợp với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu… quản lý chặt chất lượng con giống, đẩy mạnh việc kiểm dịch giống nhằm hạn chế rủi ro do con giống kém chất lượng. Cùng với đó, ngành thường xuyên theo dõi quan trắc môi trường nước, phân tích mẫu giáp xác trong môi trường tự nhiên để thông tin kịp thời trên các kênh thông tin đại chúng, giúp các hộ nuôi tôm lấy nước vào ao nuôi và xử lý nước hợp lý.
Ông Truyền cho biết thêm, tỉnh đã trích ngân sách để mua 30 tấn Chlorine hỗ trợ các hộ nuôi tôm bị thiệt hại nặng xử lý mầm bệnh trong vùng nuôi tôm tập trung. Song song đó, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm 120 tấn Chlorine.
Vụ nuôi tôm 2017, các vùng ngập mặn, ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch thả nuôi khoảng 1,9 tỷ con giống tôm sú trên diện tích 18.000 ha và thả nuôi khoảng 3 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích 6.000 ha; phấn đấu đạt tổng sản lượng .700 tấn tôm thương phẩm.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 7.000 hộ thả nuôi gần 600 triệu con tôm sú giống trên diện tích 9.315 ha và 2.240 lượt hộ thả nuôi hơn 524 triệu con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 1.000 ha. Tuy nhiên, đã có gần 500 hộ thiệt hại hơn 44 triệu con giống tôm sú trên diện tích 213 ha (chiếm 32,3% diện tích thả nuôi) và 487 hộ thiệt hại hơn 100 triệu con giống tôm thẻ chân trắng trên tổng diện tích 183 ha (chiếm 18,5% so với diện tích thả nuôi).
Đáng lo ngại, nhiều địa phương có tỷ lệ thiệt hại rất cao như: xã Dân Thành (thị xã Duyên Hải) thiệt hại 77% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng; xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang) thiệt hại 59% diện tích nuôi tôm sú; xã Long Hữu (huyện Duyên Hải) thiệt hại 52% diện tích nuôi tôm sú và 34,7% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng… Đa phần tôm chết ở giai đoạn 15-45 ngày tuổi, chủ yếu bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy.