Trà Vinh từ vùng đất khó thành vùng đất hứa

Hàng loạt các công trình trọng điểm được đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đang mở ra cơ hội phát triển không chỉ cho Trà Vinh mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những cơ hội này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần được tính toán trong việc hợp tác giữa Trà Vinh và các tỉnh, thành trong khu vực.

Cơ hội cất cánh


Ông Nguyễn Sinh Hùng, trong một lần về thăm Trà Vinh khi còn làm Phó Thủ tướng, đã nói: “Trà Vinh không phải là vùng đất khó, mà phải nói rằng sẽ là vùng đất hứa”. Trà Vinh có tiềm năng kinh tế biển rất lớn, với bờ biển dài gần 70 km, được đầu tư xây dựng Trung tâm điện lực, khu kinh tế Định An, luồng tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu, sẽ là trung tâm công nghiệp, hóa dầu, cảng biển, đóng tàu biển, công nghiệp công nghệ cao... tiềm năng du lịch, dịch vụ, thương mại sẽ được phát huy thế mạnh. Trà Vinh sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn ra thế giới và bạn bè quốc tế đến với Trà Vinh. Tuy Trà Vinh hiện là tỉnh nghèo nhất, nhưng trong tương lai sẽ có nhiều đổi khác.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, công trình luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu vẫn đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành gói thầu 6A, là gói thầu quan trọng nạo vét kênh Tắt và công trình bảo vệ bờ đoạn từ Km 0 - 650 đến Km 3+628, để mở ra cửa ngõ lớn nhất cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu. Với mục tiêu xây dựng luồng tàu biển ổn định cho tàu có trọng tải 20.000 tấn vào các cảng trên sông Hậu, dự án sẽ tạo thuận lợi cho các tàu có tải trọng lớn hơn ra vào sông Hậu, qua đó có thể giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cho các tỉnh ĐBSCL.

Thi công gói thầu nạo vét kênh Tắt và công trình bảo vệ bờ thuộc dự án xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Ước tính, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL hàng năm khoảng 15 triệu tấn, với năng lực của Cảng Cần Thơ, Cảng Cái Cui – hai cảng lớn nhất nhì của ĐBSCL cũng chỉ mới tiếp nhận được tàu khoảng 3.000 - 5.000 tấn. Vì vậy, 70 - 80% lượng hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL phải dồn hết lên cụm cảng TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ. Điều này đã làm tăng áp lực giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và tại TP Hồ Chí Minh, chi phí hàng hóa tăng cao từ 170 - 180 USD/container hoặc từ 7 - 10 USD/tấn chi phí vận chuyển và lưu kho, chưa kể thời gian vận chuyển kéo dài, bất lợi đối với hàng nông sản và giảm lợi thế cạnh tranh của nông sản hàng hóa đồng bằng sông Cửu Long. Việc đầu tư xây dựng Dự án luồng tàu biển cho tàu lớn vào sông Hậu sẽ tạo thuận lợi lớn trong vận chuyển hàng hóa ở ĐBSCL, thay vì phải quá cảnh các cảng của TP.HCM làm phát sinh thêm chi phí vận tải khiến giá thành sản phẩm gia tăng, cản trở xuất khẩu của vùng.

Nằm trong quy hoạch tổng thể các dự án lớn tại huyện Duyên Hải, Khu kinh tế Định An đang cũng có những khởi đầu tốt đẹp. Với quy mô giai đoạn 1 là 15.403,7 ha, diện tích có thể cho thuê là 10.516 ha, chiếm 69,91%, hiện nay đã thu hút được 16 dự án với tổng vốn đầu tư là 228.484 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là dự án đang triển khai từ nguồn vốn Trung ương là Trung tâm Điện lực Duyên Hải với vốn đầu tư dự kiến 88.000 tỷ đồng và nhiều dự án Cảng, hạ tầng khu dân cư, dự án KCN lọc hóa dầu... đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Tất cả đang chuẩn bị sẵn sàng như một điều kiện để Trà Vinh cất cánh.

Cần nhiều bước chuẩn bị

Nhìn một cách tổng thể, để kết nối hạ tầng phục vụ Khu kinh tế Định An gắn liền với kênh luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, Chính phủ có chủ trương đầu tư nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 53 từ Vĩnh Long qua thị xã Trà Vinh đến huyện Duyên Hải và giáp kênh Quan Chánh Bố thành đường cấp 4 đồng bằng với bốn làn xe, tạo điều kiện nối tỉnh Trà Vinh với TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. Quốc lộ 60, nối quốc lộ 1A từ Trung Lương (Tiền Giang) qua cầu Rạch Miễu đến cầu Hàm Luông (Bến Tre) cũng đang được nâng cấp, mở rộng. Cầu Cổ Chiên nối liền Bến Tre với Trà Vinh đang được thi công... Như vậy, khi cầu Cổ Chiên hoàn thành, từ Trà Vinh đi TP.HCM và ngược lại qua quốc lộ 60 chỉ có 120 km, rút ngắn được 80 km so với đi theo quốc lộ 53 qua Vĩnh Long - cầu Mỹ Thuận - Tiền Giang - Long An - TP.HCM. Nếu gắn với đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM thì từ Trà Vinh đến TP.HCM chỉ mất khoảng hai giờ. Như vậy Trà Vinh không còn là vùng “cách trở đò giang” như trước đây nữa.

Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, ông Nguyễn Thái Bình (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) có lần tâm sự, sau nhiều năm làm việc với tất cả sự trăn trở, tìm một hướng ra cho Trà Vinh thoát khỏi cảnh nghèo, thì giai đoạn này mới thực sự nhìn thấy một con đường rõ ràng cho Trà Vinh. Nhìn toàn cục, Dự án kênh Quan Chánh Bố gắn với cầu Cổ Chiên, quốc lộ 60, quốc lộ 53 được nâng cấp toàn tuyến, gắn với cảng nước sâu Trà Vinh... sẽ tạo ra những cơ hội tốt để thu hút nhiều nhà đầu tư đến Trà Vinh và Khu kinh tế Định An. Nếu trước đây Trà Vinh là vùng đất mới, đất khó, thì từ bây giờ Trà Vinh là vùng đất hứa để đón nhà đầu tư.

Tuy vậy, nhìn vào kết quả hợp tác giữa Trà Vinh và khu vực, đặc biệt là đối với TP Hồ Chí Minh, vẫn có thể nhận thấy mức độ chưa tương xứng với tiềm năng. Sau hơn 2 năm hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và Trà Vinh, kết quả vẫn còn dừng lại ở giai đoạn “xúc tiến đầu tư”, các dự án đầu tư vào Trà Vinh thông qua chương trình hợp tác này vẫn còn “đếm trên đầu ngón tay”. Một thực tế cần được nhìn nhận từ phía Trà Vinh là việc cung cấp thông tin thương mại hai chiều về thị trường hàng hóa cho doanh nghiệp chưa nhiều do đội ngũ cán bộ của tỉnh còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, ngoài những tiềm năng như đã nói, hiện trạng các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, vốn thấp, công nghệ lạc hậu, trình độ nhân lực còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém nên việc hợp tác giữa Trà Vinh và các tỉnh trong khu vực chưa phát huy hiệu quả, công nghệ hiện đại chưa được chuyển giao, nhất là công nghệ có hàm lượng chất xám cao.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng chỉ đạo, với những tiền đề rất tốt như Trà Vinh đang có, nhưng muốn phát huy được hiệu quả, Trà Vinh vẫn còn rất nhiều việc cần làm, cần chuẩn bị. Trong đó, đặc biệt là tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư, giữ bằng được “sự hấp dẫn cạnh tranh” và chú trọng vấn đề đào tạo nhân lực. Cụ thể là tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới quản lý để góp phần tăng trưởng kinh tế. Tăng cường giám sát chỉ số nhân lực qua đào tạo trong từng huyện, từng ngành, giám sát chỉ số ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để tăng năng suất và chất lượng, mà trước tiên là đối với ngành nông nghiệp. Vì khi các dự án lớn của Trung ương trên địa bàn tỉnh bước vào giai đoạn hoàn thành sẽ cần đến một lượng nhân lực lao động rất lớn được qua đào tạo.

Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN