Cụ thể gồm các xã Giai Phạm, Nghĩa Hiệp (huyện Yên Mỹ); Cẩm Xá, Hưng Long, Nhân Hòa, Dị Sử (thị xã Mỹ Hào); Đức Hợp, Toàn Thắng, Vĩnh Xá (huyện Kim Động), Ông Đình (huyện Khoái Châu).
Mặc dù các xã này đã qua hơn 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới, nhưng việc phòng, chống dịch vẫn được khoanh vùng, thường xuyên rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực chuồng nuôi để tránh lây lan. Hiện nay, các hộ chăn nuôi đang áp dụng các phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm tránh tình trạng dịch tái phát.
Từ đầu tháng 2 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát và lây lan ra 151/161 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Toàn tỉnh đã tiêu hủy hơn 163.000 con lợn, trọng lượng hơn 9.500 tấn của trên 13.000 hộ chăn nuôi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp ở Hưng Yên cùng với người chăn nuôi đã tăng cường các biện pháp phòng chống, ngăn chặn và xử lý triệt để dịch bệnh.
Các địa phương và người dân thực hiện nghiêm "5 không": không giấu dịch, không mua lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh; không bán chạy lợn bệnh; không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt bừa bãi xác lợn bệnh ra môi trường.
Toàn tỉnh đã tổ chức nhiều đợt cao điểm phun hóa chất khử trùng tiêu độc và rắc vôi bột. Hiện đã sử dụng hơn 66.000 lít hóa chất khử trùng, hơn 1.400 tấn vôi bột cho hơn 30 triệu lượt m2 chuồng trại chăn nuôi và môi trường.
Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp khoanh vùng, chống dịch; nghiêm cấm việc tái đàn tại các hộ đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi khi tỉnh chưa công bố hết dịch.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo các trang trại, cơ sở chăn nuôi tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; chăm sóc đàn lợn giống tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh nhằm chủ động nguồn giống tốt để phát triển chăn nuôi sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Khuyến khích và tạo điều kiện cho người chăn nuôi chuyển đổi sang chăn nuôi thủy cầm, gia cầm, chăn nuôi đại gia súc theo hướng an toàn sinh học và VietGAP.
Theo thông báo của Chi cục Thú y vùng VII, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại hộ chăn nuôi của gia đình ông Ngô Minh Thùy (ấp Nhà Diệu, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Đây là ổ dịch thứ 2 được phát hiện tại huyện Ngọc Hiển.
Trước đó, ngày 12/6, đàn lợn 27 con của gia đình ông Thùy xuất hiện lợn chết không rõ nguyên nhân. Gia đình đã thông báo với chính quyền địa phương đến lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút tả lợn châu Phi.
Ngay sau đó, UBND xã Tân Ân phối hợp cùng ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau tiến thành bao vậy, dập dịch; đồng thời tiêu hủy đàn lợn và tổ chức phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực xuất hiện ổ dịch nhằm hạn chế bệnh dịch lây lan sang đàn lợn khác trên địa bàn xã.
Như vậy, đến nay tỉnh Cà Mau có 7 xã thuộc 5/9 huyện và thành phố xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi gồm: Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Năm Căn, Phú Tân và Ngọc Hiển.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, mua bán lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn. Đối với những địa phương đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổ chức dập dịch theo đúng quy trình nhằm khống chế bệnh dịch lây lan ra diện rộng.
Ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau khuyến cáo các hộ chăn nuôi phải tuân thủ thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín cho lợn ăn, không vứt xác lợn chết ra môi trường. Khi phát hiện đàn lợn nuôi bị bệnh, chết phải nhanh chóng thông báo với chính quyền địa phương để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ, mua bán, tiêu thụ lợn hơi và các sản phẩm từ lợn bị bệnh, chết hoặc không có chứng nhận nguồn gốc và dấu kiểm soát của ngành Chăn nuôi và Thú y.
Tính đến chiều 16/6, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 57 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng số lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy hơn 2,5 triệu con. Hiện còn 6 tỉnh chưa công bố có dịch gồm: Phú Yên, Bến Tre, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh.