Trò chuyện với chuyên gia chứng khoán đầu năm Nhâm Dần 2022

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua năm 2021 với nhiều kỷ lục được thiết lập và ngày càng thể hiện là kênh dẫn vốn rẻ, dài hạn cho doanh nghiệp, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Chú thích ảnh
Gần 305 triệu cổ phiếu EVF chính thức được niêm yết giao dịch trên HOSE. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 19.050 đồng/cổ phiếu, biên độ giao động giá +/-20%. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Năm 2022, dù còn nhiều “ẩn số” khi lãi suất có thể tăng khiến dòng tiền vào kênh chứng khoán chịu ảnh hưởng xấu, nhưng dư địa tăng của thị trường và cơ hội cho nhà đầu tư được nhận định vẫn còn, dù không phong phú như năm 2021. 

Xung quanh câu chuyện tăng trưởng của thị trường, phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam và ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Năm 2021 khép lại với sự thành công vượt bậc của chứng khoán Việt Nam, đem đến niềm vui cho các thành viên tham gia thị trường. Dưới góc độ chuyên gia chứng khoán, các ông có cảm xúc như thế nào về thị trường năm 2021?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Với cá nhân tôi, chứng kiến sự phát triển vượt bậc của thị trường năm 2021, có sự phấn khích lớn vì dường như chứng khoán Việt Nam đã có điều kiện quá thuận lợi để bước một bước dài trong sự phát triển chung, đặc biệt là về số lượng tài khoản mở mới và thanh khoản bình quân toàn thị trường.

Thực tế, ngoài việc chỉ số VN-INDEX đã tăng 35,75% trong năm 2021, thì số lượng tài khoản mở mới trong năm đạt gần 1,5 triệu tài khoản bằng tổng lượng tài khoản mở mới của 7 năm trước đó cộng lại. Thanh khoản bình quân 1 phiên đạt hơn 26.000 tỷ đồng gấp hơn 3,2 lần so với mức bình quân của năm 2020 và kỷ lục thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam cho tới thời điểm này là có phiên giao dịch đạt khoảng 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, huy động vốn của các công ty niêm yết năm 2021 cũng đạt hơn 100.000 tỷ đồng, là con số kỷ lục từ trước tới nay. Nếu để nhận định tổng quát thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 thì tôi sẽ dùng từ "bứt phá ngoạn mục".

Ông Nguyễn Thế Minh: Nếu nói một câu nhận định về năm 2021, tôi cho rằng đó là “năm của những kỷ lục”. Rõ ràng, năm 2021 chúng ta thấy rất nhiều kỷ lục mới của thị trường như: điểm số, thanh khoản, tài khoản mở mới…

Thanh khoản thị trường liên tiếp lập kỷ lục, tính chung năm 2021, mức thanh khoản đạt hơn 1 tỷ USD. Với mức này, Việt Nam đang từng bước trở thành quốc gia có thị trường chứng khoán lớn trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản mở mới đạt mức kỷ lục trong năm nay.

Riêng giá trị vốn hóa thì Việt Nam đã vượt qua thị trường chứng khoán Philippines - quốc gia có thị trường chứng khoán tăng trưởng rất mạnh trong nhiều năm liên tiếp.

Năm 2021, chứng khoán đóng góp tới gần 11.000 tỷ đồng tiền thu ngân sách nhà nước. Các ông có suy nghĩ gì về con số này và nhận định như thế nào về vai trò của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế hiện nay?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Chính sự bứt phá về quy mô giao dịch và phát hành mới của thị trường chứng khoán đã giúp tổng thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực chứng khoán đạt mức kỷ lục gần 11.000 tỷ đồng.

Rõ ràng vai trò huy động vốn trung dài hạn cho sự phát triển của doanh nghiệp niêm yết của thị trường chứng khoán Việt Nam đã được tận dụng triệt để trong năm 2021. Điều này là vô cùng ý nghĩa trong điều kiện dòng vốn tín dụng ngân hàng trong năm 2021 có nhiều hạn chế do việc giới hạn room tăng trưởng tín dụng và quy định kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, kênh đầu tư chứng khoán tăng nhanh, thanh khoản cũng tạo ra nhiều cơ hội đầu tư, giúp cho chức năng tạo thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng phát huy rõ hiệu quả, qua đó làm tăng thu ngân sách lớn trong năm.

Ông Nguyễn Thế Minh: Từ thời điểm thành lập thị trường chứng khoán đến nay, đây là năm thị trường mang lại nhiều giá trị, đặc biệt là có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, trong bối cảnh nhiều nguồn thu ngân sách đang bị hụt vì ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19.

Đây cũng là một trong những kênh huy động vốn được rất nhiều nhà đầu tư chú ý khi các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn. Như vậy, có nghĩa rằng chứng khoán cũng là một trong những nguồn thu lớn của quốc gia và trong giai đoạn tới. Điều này cũng thể hiện vai trò và ảnh hưởng quan trọng của chứng khoán trong nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán là một trong những kênh huy động vốn rẻ cho các doanh nghiệp. Trước năm 2015, chúng ta thấy rằng phần lớn các doanh nghiệp đa phần sử dụng nợ vay, ngay cả các ngân hàng cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn vay ngắn hạn. Nếu một thị trường chỉ phụ thuộc vào vốn vay, nợ vay thì tác động lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế của Việt Nam và các doanh nghiệp.

Kể từ năm 2016, quy mô của thị trường chứng khoán bắt đầu tăng lên và đến năm 2020-2021 thì bứt phá mạnh mẽ. Đây là bức tranh để các doanh nghiệp nhận thấy rằng, thị trường chứng khoán là một trong những thị trường huy động vốn rẻ, có nhiều dư địa để giúp cho gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, giảm đi chi phí lãi vay của các doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Như vậy, với việc chứng khoán Việt Nam càng ngày tăng về quy mô vốn hóa, thanh khoản sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp có mục tiêu đẩy mạnh niêm yết, hoặc cổ phần hóa trong giai đoạn tới.

Hai ông có đánh giá như thế nào về thị trường chứng khoán năm 2022? Những nhóm ngành nào sẽ có cơ hội tăng trưởng trong năm nay?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Nối tiếp đà tích cực của năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ để tiếp tục phát triển.

Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát ở mức trung bình, chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng với mặt bằng lãi suất thấp, chính sách tài khóa sẽ đẩy mạnh để kích thích hồi phục kinh tế sau khi đã kiểm soát thành công dịch COVID-19. 

Dự báo kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng và sự hồi phục chung của hệ thống doanh nghiệp Việt sẽ thể hiện tích cực hơn trong năm 2022. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết có thể đạt mức từ 25 - 30%, là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Kênh đầu tư chứng khoán vẫn là thanh khoản cao thu hút được dòng tiền lớn trong nền kinh tế, nguồn lực margin (cho vay ký quỹ) của các công ty chứng khoán tăng mạnh nhờ sự tăng vốn lớn của nhiều công ty chứng khoán, sự trở lại của khối ngoại cũng có thể được kỳ vọng trong năm 2022 là các yếu tố hỗ trợ thêm.

Tôi cho rằng, trong năm 2022, ngành chứng khoán, bất động sản, xây dựng và vật liệu, ngân hàng, công nghệ, bán lẻ và hàng tiêu dùng... sẽ tăng trưởng tích cực.

Ông Nguyễn Thế Minh: Năm nay dự kiến lãi suất sẽ tăng trở lại, nhưng việc tăng trở lại của lãi suất có thể chưa đáng kể, như vậy thì có thể thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được hưởng lợi và dư địa đi lên là có.

Dù vậy, với việc lãi suất tăng trở lại thì chắc chắn phần nào đó thị trường chứng khoán sẽ không có quá nhiều sự lựa chọn và không thuận lợi như năm 2020 và 2021. Bởi, khi lãi suất tăng nhà đầu tư thường tìm đến các danh nghiệp có mức định giá rẻ và tập trung vào nền tảng cơ bản của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư quan tâm đến mức định giá của doanh nghiệp nhiều hơn thay vì năm 2021 và 2020 có rất nhiều cổ phiếu đã tăng trưởng rất mạnh và rất nóng, bất chấp định giá cổ phiếu đã không còn rẻ và không còn hấp dẫn.

Như vậy năm 2022, với việc tăng lãi suất thì nhà đầu tư sẽ có sự lựa chọn lại thay vì chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu đầu cơ và độ nóng của dòng tiền.

Khả năng VN-Index hướng sẽ tiến lên 1.700-1.800 điểm trong năm 2022. Nguyên nhân là hồi phục của nền kinh tế quay trở lại vào quý IV năm 2021 và kỳ vọng các doanh nghiệp có mức tăng trưởng mạnh có thể kéo dài đến quý I và quý II, cũng có thể là cả năm 2022 sẽ hỗ trợ cho thị trường. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng sẽ là một trong những cú hích để kích thích, kích cầu tiêu dùng quay trở lại trong năm 2022.  Theo tôi năm 2022, nhóm ngân hàng, bán lẻ, sản xuất thực phẩm, bất động sản sẽ có mức tăng trưởng mạnh.

Từ vụ bán “chui” cổ phiếu mới đây, chuyên gia có thể đưa ra những nhận định về hệ lụy cổ đông lớn các doanh nghiệp bán cổ phiếu nhưng không báo cáo với thị trường và mức phạt đối với những vi phạm dạng này liệu đã hợp lý?

Ông Nguyễn Thế Minh: Việc giao dịch cổ phiếu không công bố thông tin gây ra nhiều rủi ro liên quan đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Về phía doanh nghiệp, uy tín doanh nghiệp giảm xuống.  Bên cạnh đó, thị trường sẽ trở nên thiếu minh bạch và khó được xem xét để nâng hạng. 

Về phía nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào doanh nghiệp, bởi minh bạch là yếu tố tối thiểu để nhà đầu tư quyết định có nên mua một cổ phiếu hay không.

Dù cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm công bố thông tin trên thị trường trong nhiều năm qua, nhưng mới chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính. Hơn nữa, các vi phạm hành chính vẫn áp dụng chế tài xử phạt còn nhẹ nên nhiều cổ đông lớn sẵn sàng đánh đổi chi phí phạt và lợi nhuận thu về.

Do vậy cần phải nâng mức phạt cho hành vi không công bố thông tin dự kiến giao dịch và không nên giới hạn mức tiền phạt là 1,5 tỷ đồng. Đây là mức rất nhỏ so với những phiên giao dịch thu về hàng nghìn tỷ đồng, gây ảnh hưởng rất xấu đến thị trường chứng khoán./.

Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

Văn Giáp (TTXVN)
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm chiều 31/1
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm chiều 31/1

Trong phiên giao dịch chiều 31/1, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm sau khi Phố Wall phục hồi cuối tuần trước mặc dù các nhà giao dịch vẫn lo lắng về kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm chống lạm phát gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN