Ông Nguyễn Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, các mô hình trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn xã cho thu nhập từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên; cá biệt có mô hình hoa, cây cảnh kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Hàng năm bình quân có khoảng 7 vạn du khách tham quan, trải nghiệm các hoạt động du lịch sinh thái trên địa bàn xã, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng/năm...
Việc trồng hoa cây cảnh cho thu nhập cao không chỉ có ở huyện Thường Tín mà tại xã Tản Lĩnh huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng có một làng chuyên trồng mai trắng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ vườn hoa mai trắng ở xã Tản Lĩnh cho biết, với hơn 4 mẫu đất trồng mai; trong đó có 8 sào mai thế còn lại trồng phôi mai, mỗi năm vườn mai cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng tùy biến động giá cả thị trường.
Huyện Mê Linh được xem là “thủ phủ” hoa lớn của Thủ đô Hà Nội. Những năm qua, với sự phát triển của làng hoa, nhiều ứng dụng công nghệ cao được đưa vào sản xuất. Với những tiềm năng vốn có, huyện Mê Linh đang từng bước tạo ra những “cú hích” mới cho phát triển nông nghiệp. Ông Phạm Văn Hải, ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh cho biết, với hơn 8 sào gia đình ông chuyên trồng các loại hoa hồng, hoa hồng thế đủ màu sắc, hồng bonsai... cho thu nhập từ 500-700 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí. Chính trồng hoa hồng đã đem lại cho gia đình ông một cuộc sống mới, đầy đủ hơn.
Tuy nhiên, việc sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh của Hà Nội vẫn còn một số khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị; việc đầu tư cho hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao còn hạn chế. Bên cạnh đó, thị trường cây cảnh thời điểm này chưa sôi động, trong khi đó, thị trường hoa lan VAR đang rất được quan tâm song vẫn còn có nhiều cách nhìn trái chiều việc thổi giả, lừa đảo làm mất định hướng và niềm tin của người tiêu dùng gây lao đao cho các nhà vườn sản xuất kinh doanh nghiêm chỉnh.
Các chính sách từ trung ương đến thành phố đều có xong áp dụng vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn bất cập cụ thể như chính sách về ứng dụng công nghệ cao chưa thực hiện được, hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất hoa, cây cảnh chủ yếu đang thực hiện theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ về mô hình khuyến nông nên chưa tạo được đột phá để tạo giá trị gia tăng cao. Việc quy hoạch vùng sản xuất cây xanh, cây công trình và hoa, cây cảnh để trở thành ngành kinh tế sinh thái ở một số địa phương chưa được quan tâm... Đáng chú ý là chưa có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ tạo hành lang để phát triển ngành kinh tế sinh thái hoa, cây cảnh.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, để đạt mục tiêu từ nay đến năm 2025 diện tích hoa, cây cảnh đạt 8.500 - 9.000 ha, làng nghề hoa, cây cảnh phát triển gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm… các quận, huyện, thị xã cần làm tốt quy hoạch để hoa, cây cảnh trở thành ngành hàng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường ở nông thôn.
Bên cạnh đó, các vùng hoa, cây cảnh cũng cần sớm hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, nâng cao tính pháp lý, tiếp cận với các nguồn vốn vay hỗ trợ, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong quy trình sản xuất - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh...
Theo quy hoạch đến năm 2025, Hà Nội mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh lên 8.000 ha (diện tích chuyên canh khoảng 5.000 ha), tập trung tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ...
Để nâng cao hiệu quả kinh tế ở các vùng trồng hoa, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đầu tư, hình thành các vùng hoa, cây cảnh tập trung quy mô vừa và lớn từ 20 - 50 ha trở lên. Những vùng trồng hoa này ứng dụng công nghệ cao với các giống chủ lực (lan, cúc, hồng...) cùng một số giống hoa nhập, cây cảnh có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường Thủ đô và hướng tới xuất khẩu…