Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang: Năm 2011, tỉnh có kế hoạch xuống giống hơn 30.000 ha lúa thu đông nhằm tăng thêm sản lượng hơn 120.000 tấn, vừa đưa sản lượng lương thực cả năm của tỉnh đạt 3,65 triệu tấn, vừa góp phần có thêm 1 triệu tấn lúa hàng hóa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Diện tích lúa này nằm trong các vùng có đê bao an toàn, hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để gieo sạ, tập trung ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành và Hòn Đất. Tuy nhiên, do năm 2010 nông dân tự phát trồng khoảng 15.000 ha, lúa trúng mùa, được giá và lợi nhuận cao nên vụ mùa năm 2011 họ tiếp tục gieo trồng, với tổng diện tích hơn 53.000 ha, vượt kế hoạch của tỉnh 23.000 ha.
Phần lớn diện tích lúa thu đông vượt kế hoạch đó không nằm trong quy hoạch của tỉnh và nằm ngoài hệ thống đê bao ngăn lũ. Nông dân ở các huyện đầu nguồn lũ Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang) cho biết: Mặc dù dự đoán sản xuất vụ lúa thu đông tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng gần 10 năm qua không có lũ về, không nuôi được tôm, cá trong mùa nước nổi nên tạm thời gia cố đê bao để trồng lúa vụ 3, tăng thêm thu nhập cho kinh tế gia đình.
Ngoài diện tích bị thiệt hại do lũ nhấn chìm, nông dân Kiên Giang đã thu hoạch được khoảng 50.000 ha lúa thu đông, với năng suất bình quân 4,5 tấn/ha, giá thị trường 7.000 - 8.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư cho sản xuất, lợi nhuận thu về đạt trên 50%. Có thể nói, nông dân Kiên Giang đã trúng mùa, được giá lúa vụ 3 và họ tin rằng tiếp tục sản xuất vụ lúa đông xuân thắng lớn nhờ lũ đem phù sa màu mỡ về bồi bổ ruộng đồng và diệt trừ mầm bệnh gây hại lúa.
Để sản xuất lúa vụ 3 ăn chắc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: Giải pháp căn cơ, bền vững để sản xuất vụ lúa thu đông trong những vụ mùa tới đạt kết quả là làm tốt công tác quy hoạch trên từng vùng, tiểu vùng, chủ yếu tập trung ở các huyện cuối nguồn lũ như: Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao và một phần của Hòn Đất, Kiên Lương.
Các huyện cuối nguồn này khi vào mùa lũ, nước về chậm nên đủ thời gian cho lúa vụ 3 sinh trưởng, phát triển và thu hoạch an toàn. Trên cơ sở đó, huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống đê bao trọng yếu đủ sức ngăn nước lũ, kết hợp với hệ thống cống thủy lợi hiện có kiểm soát và điều tiết nguồn nước hợp lý, vừa phục vụ tốt việc xả lũ, vừa giữ được phù sa cho đồng đất.
Trên cơ sở dự báo mùa lũ, đỉnh lũ chính xác, ngành Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang xây dựng lịch thời vụ, khuyến cáo nông dân tuân thủ nghiêm lịch thời vụ trong sản xuất vụ mùa, không xuống giống lúa vụ 3 ngoài vùng quy hoạch và ở các vùng không có đê bao vững chắc hoặc bờ bao nhỏ, không có khả năng ngăn lũ, chống tràn. Có thể theo phương thức năm nay trồng lúa vụ 3 thì mùa vụ năm sau tạm dừng cho đất nghỉ để tránh đất bị bạc màu, phù sa bồi bổ cho đồng đất phì nhiêu, sản xuất bền vững.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cũng cần đưa những giống lúa mới, ngắn ngày né lũ, phẩm chất gạo ngon, năng suất và chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, kháng sâu bệnh vào sản xuất. Ngành đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng lúa từ khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ đồng loạt, áp dụng “4 đúng”, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” trong phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa, quản lý dịch hại theo phương pháp IPM. Cán bộ khuyến nông tăng cường bám sát địa bàn, kiểm soát đồng ruộng, kịp thời giúp nông dân phòng trừ sâu bệnh gây hại và chăm sóc lúa.
Lê Huy Hải