Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, số liệu thủy văn đến thời điểm này cho thấy, chưa bao giờ mực nước sông Hồng thấp như năm nay. Tổng lượng nước thiếu trên toàn vùng đồng bằng sông Hồng khoảng 7 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm, do đó nguy cơ hạn hán rất cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đảm bảo mục tiêu phát điện, nước sạch nhưng cũng phải đảm bảo cho phát triển nông nghiệp.
Với điều kiện năm nay, việc xả nước sẽ cố gắng giữ được mực nước tối đa có thể để các địa phương có thể lấy được nước. Ngành khuyến cáo địa phương chủ động lấy nước, tích nước vào kênh mương, hồ ao… để sẵn sàng cho mùa vụ. Địa phương cũng cần đảm bảo gieo trồng tập trung cũng như dịch chuyển ngay sang cây trồng khác đối với các vùng đã được xác định hạn.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết, theo kịch bản lấy nước hiện nay sẽ cần xả khoảng 5 tỷ m3. Với mực nước còn hiện nay tại các hồ, sau khi xả nước, các hồ sẽ gần như về mực nước chết, trung bình còn khoảng 9% dung tích hữu ích. Trong khi đó vẫn còn khoảng 5 tháng nữa mới đến mùa mưa và điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng cũng như cấp nước sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Chí Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Sông Tích, tình trạng nguồn nước tưới vụ Đông Xuân 2019-2020 trên các sông trong khu vực ở mực nước thấp hơn rất nhiều so với những năm gần đây. Các trạm bơm đầu mối lấy nước từ sông Hồng, sông Đà sẽ không thể vận hành hết công suất theo thiết kế, đặc biệt là trạm đầu mối Phù Sa.
Tính đến ngày 10/12, một số hồ chứa ở Hà Nội đều thấp hơn nhiều so với mực nước thiết kế, đặc biệt là Đồng Mô và Suối Hai, rất khó khăn cho việc tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tại trạm bơm dã chiến Phù Sa đảm bảo vận hành khi mực nước sông Hồng thấp nhất 2,5m trở lên. Tuy nhiên, nhưng thực tế trong 5 ngày nay tại trạm sơn Tây, mực nước sông Hồng chỉ đạt 1,3m.
Công ty TNHH MTV thủy lợi Sông Tích quản lý 516 trạm bơm tưới, tiêu kết hợp. Hiện công ty đã triển khai nạo vét xong các cửa khẩu lấy nước từ sông Đà, sông Hồng, các tuyến kênh; đồng thời đã lắp đặt xong hàng chục tổ máy tại các trạm bơm dã chiến ở Phù Sa, Sơn Đà… Do địa hình, Hà Nội sẽ phải dùng 3 - 4 cấp bơm thì mới có thể đưa nước đến chân ruộng. Các trạm bơm dã chiến dự kiến sẽ phải vận hành toàn bộ, trạm bơm chính gần như không thể hoạt động trong điều kiện thủy văn năm nay.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị, EVN cố gắng đảm bảo thời gian và duy trì mực nước trong các đợt lấy nước thì các công trình thủy lợi mới khai thác được nước.
Từ thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, có xả hết công suất ở hồ thủy điện cũng không thể đảm bảo mực nước ở Hà Nội đạt 2,2m. Hà Nội chủ yếu lấy nước trong đợt 3, do đó thành phố cần có kịch bản chi tiết trong lấy nước cho vụ Đông Xuân này, thậm chí chi tiết đến mức ngày nào, giờ nào nước sẽ đến đâu.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN cho biết thêm, năm nay rất nguồn nước ở các hồ thủy điện rất khó khăn. Nguồn nước từ thượng nguồn về các hồ thủy điện thấp kỷ lục. Từ khi vận hành các hồ thủy điện, chưa có năm nào như năm nay là không có lũ, không có nước từ nguồn về. Hiện nguồn nước ở hồ Hòa Bình chỉ đạt 54% dung tích hữu ích. Dự kiến sau 3 đợt xả hồ Hòa Bình sẽ còn 8% dung tích hữu ích, hồ Tuyên Quang còn 8,4%... Như vậy, các hồ coi như về mực nước chết.
Để giữ nguồn nước, ngay từ tháng 10, EVN đã phải huy động các nguồn năng lượng khác như tăng nhà máy chạy dầu, than, khí… Ông Ngô Sơn Hải mong các đơn vị có các giải pháp lấy nước hiệu quả nếu không thì sẽ khó đảm bảo các nhiệm vụ về an ninh năng lượng, nguồn nước sạch cho Thủ đô sau khi xả nước.
Lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo, gồm 3 đợt, tổng cộng 18 ngày. Đợt 1: Từ 0 giờ 00’ ngày 20/1 đến 24 giờ 00’ ngày 23/1/2020 (4 ngày); đợt 2: Từ 0 giờ 00’ ngày 5/2 đến 24 giờ 00’ ngày 12/2/2020 (8 ngày); đợt 3: Từ 0 giờ 00’ ngày 19/2 đến 24 giờ 00’ ngày 24/2/2020 (6 ngày).