Huyện miền núi Hướng Hóa hiện có nhiều hộ bị thiếu nước sinh hoạt nhất với 4.500 hộ. Nguyên nhân là do hạn hán kéo dài, khiến nguồn nước tự chảy từ sông, suối thiếu hụt; đồng thời có nguy cơ bị ô nhiễm do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Các công trình cấp nước tập trung cũng chưa đáp ứng nhu cầu người dân, thường xuyên thiếu hụt nước. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng đang xả ra ở các huyện: Đakrông có 2.700 hộ, Cam Lộ có 2.300 hộ và các xã ven biển thuộc hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong.
Việc thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng là do từ đầu năm 2019 đến nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị quá thấp, chỉ bằng 50 - 60% so với trung bình nhiều năm, khiến hệ thống sông, suối ở miền núi khô kiệt, làm cho các công trình nước tự chảy không có nguồn nước.
Đến đầu tháng 8/2019, các hồ chứa ở Quảng Trị chỉ còn nước ở mức gần 20%, so với dung tích thiết kế và đang có nguy cơ tiếp tục giảm nhanh, do nắng nóng và gió mùa Tây Nam khô nóng cường độ mạnh. Do đó, nguồn cung cấp nước sinh hoạt từ hồ chứa cũng bị suy giảm nghiêm trọng.
Việc thiếu nước sinh hoạt ở vùng nông thôn Quảng Trị, cũng do nhiều công trình cấp nước tập trung không hoạt động. Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 200 công trình cấp nước nông thôn tập trung, trong đó có trên 50 công trình không hoạt động, do bị xuống cấp, hư hỏng và thiếu kinh phí.
Tỉnh Quảng Trị đang triển khai phương án tích trữ nước ở các bồn chứa để phục vụ sinh hoạt cho người dân, nhất là đối với các xã vùng miền núi sử dụng nước từ các công trình tự chảy. Đối với công trình cấp nước tập trung, triển khai đào sâu các giếng khơi, súc rửa các giếng khoan để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Trị Lê Quang Lam cho biết, đơn vị đang phối hợp với các địa phương rà soát số bị hộ thiếu nước sinh hoạt, để có giải pháp cấp nước bằng xe bồn và cấp nước tập trung…