Các công nhân bốc dỡ hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: AP/TTXVN |
Theo ông Miêu Vu, “Made in China 2025” cùng với những chính sách liên quan phù hợp với mọi doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc, không phân biệt là doanh nghiệp nội địa hay nước ngoài.
Tuyên bố của Bộ trưởng MIIT được đưa ra một ngày sau khi EUCC công bố một bản báo cáo rất dài trong đó chỉ trích việc Trung Quốc hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất công nghệ cao sẽ dẫn tới hành vi phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài, trong khi lại cho phép các doanh nghiệp trong nước được chính phủ tài trợ cạnh tranh một cách không lành mạnh.
Báo cáo của EUCC còn cho biết các nhà sản xuất ô tô điện và các sản phẩm khác của nước ngoài đang bị Trung Quốc gây sức ép buộc phải chuyển giao công nghệ cho nước này.
Tuy nhiên, ông Miêu Vu đã bác bỏ thông tin trên, cho rằng các chính sách liên quan tới hoạt động đầu tư vào những lĩnh vực như xe hơi năng lượng mới (NEV, là thuật ngữ của Trung Quốc dùng để chỉ các loại ô tô được lắp động cơ điện hoặc động cơ lai) không chỉ nhằm vào các công ty nước ngoài mà còn hướng đến cả các doanh nghiệp nội địa.
Mục đích của các chính sách này là ngăn chặn hành vi gian lận của một số doanh nghiệp nhằm có được trợ cấp của chính phủ, thay vì ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc.
Về việc đặt ra chỉ tiêu thị phần cho các thương hiệu nội địa, ông Miêu Vu cho biết, Chính phủ Trung Quốc không “cố ý tìm kiếm” những mục tiêu này khi xây dựng chiến lược “Made in China 2025”. Những mục tiêu đó chỉ mang tính chất dự báo, chứ không phải là bắt buộc.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng MIIT còn nhấn mạnh tới vai trò quyết định của thị trường và vai trò dẫn dắt của chính phủ trong quá trình triển khai chiến lược.
Ông Miêu Vu giải thích thêm, mục đích cuối cùng của chiến lược “Made in China 2025” là đáp ứng nhu cầu trong nước đối với những thiết bị và hàng hoá công nghiệp tối tân vì các nước phương Tây vẫn đang áp dụng chính sách cấm xuất khẩu một số sản phẩm sang Trung Quốc.