Cuộc chiến giành quyền kiểm soát tập đoàn du lịch nghỉ dưỡng "Club Med" (Câu lạc bộ Địa Trung Hải) của Pháp diễn ra từ tháng 6/2013 giữa một bên là tập đoàn Global Resorts của Italy và một bên là tập đoàn Fosun của Trung Quốc sắp đi đến hồi kết sau khi ông Andrea Bonomi, đại diện cho tập đoàn Global Resorts ngày 2/1 tuyên bố từ bỏ ý định mua lại "Club Med".Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, lý do ông Andrea Bonomi đưa ra là ban lãnh đạo Global Resorts nhận thấy giá cổ phiếu của "Club Med" đã trở nên quá cao và đây không còn là cơ hội đầu tư đối với Global Resorts nữa. Từ 20 tháng qua, hai đối thủ cạnh tranh là Global Resorts và Fosun đã chạy đua trong việc mua lại "Club Med", một công ty du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng từ những năm 1950 nhưng thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn và đã nhiều lần thua lỗ.
"Club Med" sở hữu 70 ngôi làng đặt tại các khu nghỉ dưỡng ở 26 nước. Ảnh: Báo Le Figaro |
Vào ngày 20/12 vừa qua, tập đoàn Fosun vốn theo đuổi chính sách thâu tóm bằng việc tăng giá cổ phiếu đã trả giá 24,60 euro/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa tập đoàn "Club Med" lên 939 triệu euro. Giá cổ phiếu của Fosun cao hơn 60 xu so với giá 24,00 euro/cổ phiếu đã được Global Resorts trả trước đó.
Sau khi Fosun nâng giá, Global Resorts tuyên bố rút khỏi thương vụ vì "mức giá cổ phiếu thực không phản ánh giá trị của công ty". Trên thực tế, "Club Med" làm ăn thua lỗ từ nhiều năm qua và đã chịu khoản lỗ 12 triệu euro trong năm tài khóa 2013-2014.
Với mức giá 24,60 euro/cổ phiếu, tập đoàn Fosun đã chấp nhận trả giá cao hơn 45% so với mức giá đề nghị lần đầu đưa ra vào tháng 6/2013 là 17,50 euro/cổ phiếu. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn giá giao dịch trên thị trường chứng khoán phiên gần nhất ngày 28/12 là 25,09 euro.
Để theo đuổi thương vụ mua lại "Club Med", Global Resorts đã liên danh với Quỹ đầu tư KKR của Mỹ trong khi tập đoàn Fosun lập liên danh 4 công ty gồm Trung Quốc - Pháp - Brazil - Bồ Đào Nha.
Nhằm có được thương vụ, hai đối thủ cạnh tranh đã đưa ra các chiến lược đổi mới trong đó Global Resorts cam kết khai thác và phát triển thị trường cân đối tại các châu lục gồm châu Á, châu Âu và châu Mỹ trong khi Fosun cho biết sẽ đổi mới các dịch vụ nghỉ dưỡng và chú trọng phát triển mở rộng thị trường tại Trung Quốc, một thị trường được đánh giá là nhiều tiềm năng và triển vọng.
Kế hoạch đầu tư và phát triển của Fosun nhận được sự ủng hộ của ban lãnh đạo "Club Med", đặc biệt là của Tổng Giám đốc Henri Giscard d'Estaing, người luôn cam kết sẽ tìm mọi cách để cổ phiếu của phía Pháp chiếm đa số trong liên danh.
Là doanh nghiệp chuyên tổ chức các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp, "Club Med" sở hữu 70 ngôi làng đặt tại các khu nghỉ dưỡng ở 26 nước. Tính đến cuối năm 2013, tập đoàn có 12.900 nhân công.
Báo chí Pháp chưa bình luận nhiều về việc Global Resorts "bỏ cuộc". Tuy nhiên, thông tin cho biết "Club Med" sắp trở thành công ty của Trung Quốc làm người dân Pháp nhớ tới vụ mua bán ồn ào đầu tháng 12 vừa qua khi tập đoàn Symbiose của Trung Quốc đã bỏ ra 308 triệu euro, tức cao hơn các đối thủ là các nhà đầu tư Pháp tới 20% để mua 49,9% cổ phần của sân bay Toulouse-Blagnac, nằm gần tập đoàn sản xuất máy bay Airbus tại thành phố Toulouse miền nam nước Pháp.
Việc Chính phủ Pháp mở cửa vốn cho đầu tư của Trung Quốc vào sân bay Toulouse-Blagnac đã làm dấy lên sự chia rẽ tại Pháp, bởi nhiều người tỏ ra lo ngại trước hình ảnh "bành trướng" về kinh tế của Trung Quốc trên trường quốc tế, đặc biệt là tại Pháp, nơi kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào Pháp bắt đầu tăng nhanh kể từ năm 2010. Trong giai đoạn 2010-2012, dòng đầu tư này đã tăng 336%.
Bích Hà (
P/v TTXVN tại Pháp)