WB vừa nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự 5,3% đưa ra tháng 4 trước đó. Trong khi đó, dự kiến tốc độ tăng trưởng chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 3,2%. Theo các chuyên gia của WB, thành công của Việt Nam là sự kết hợp của các biện pháp ngăn chặn COVID-19 hiệu quả với lợi thế về nhân khẩu học và vị trí đặc quyền của đất nước trong cơ cấu nền kinh tế khu vực và thế giới.
Trong khi đó, tờ Nikkei Asia đưa tin Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2022 của Việt Nam ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh và tiêu dùng tư nhân phục hồi. Tuy nhiên, Nikkei Asia cảnh báo có những rủi ro, bao gồm sự suy giảm thị trường xuất khẩu chính và tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam bắt đầu sản xuất chip bán dẫn trong nước.
Hãng Reuters đưa tin FPT Semiconductor (Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch thuộc tập đoàn FPT) vừa ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Công ty đặt mục tiêu thâm nhập thị trường chip khu vực châu Á-Thái Bình Dương với kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu vào năm 2023.
Tương tự, Lexology gọi Việt Nam là nơi lý tưởng để sản xuất chất bán dẫn. Thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,52% trong giai đoạn 2021-2025. Ngày càng nhiều doanh nghiệp toàn cầu dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam nhờ vị trí chiến lược, cũng như nhờ lợi thế về giao hàng, nhân công có sức cạnh tranh và chi phí sản xuất của Việt Nam. Một lợi thế lớn nữa là các doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi đáng kể từ 13 hiệp định thương mại tự do.
Về du lịch, tờ The Star đưa tin trong 9 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 1,87 triệu lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Tổng cục Du lịch vừa công bố cho biết 9 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa Việt Nam đã đạt khoảng 87 triệu lượt khách, trở thành động lực chính của tăng trưởng toàn ngành.