Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tại cuộc họp tổng kết sau gần 4 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-BGTVT ngày 15/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không và giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay, diễn ra chiều 6/11, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Đinh La Thăng ghi nhận những chuyển biến tích cực từ ngành hàng không trong việc cải thiện hình ảnh dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ. Lãnh đạo Bộ đánh giá cao sự quyết tâm của ngành hàng không, đặc biệt là sự thay đổi quan điểm, nhận thức và trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của Cục Hàng không Việt Nam cũng như trách nhiệm, thái độ cung cấp dịch vụ hàng không của các đơn vị cho khách hàng, người dân.
Căn cứ vào Chỉ thị 15, các đơn vị đã xây dựng các chương trình hết sức cụ thể nhằm cải thiện dịch vụ hàng không và phi hàng không tại các sân bay trên cả nước. Giá các dịch vụ phi hàng không đã được kiểm soát tốt, đặc biệt tình trạng chậm, hủy chuyến bay đã có cải thiện nhiều ở tất cả ba hãng hàng không.
Nhiều đơn vị đã chủ động thay đổi cung cách phục vụ như tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ, công nhân viên trong đơn vị - đây là thái độ hết sức cầu thị cần được ghi nhận và nhân rộng. Cơ sở vật chất thời gian qua cũng đã được tăng cường góp phần vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại các sân bay. Ngoài ra, tinh thần trách nhiệm của những người đứng đầu trong ngành hàng không đã có chuyển biến tích cực, đã có sự chỉ đạo sát sao hơn trong lĩnh vực mình phụ trách.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng so với đòi hỏi và yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng, ngành hàng không vẫn chưa đáp ứng được, vẫn còn nhiều tồn tại, khiếm khuyết.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới dịch vụ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là sự phối kết hợp giữa các đơn vị trong ngành hàng không chưa tốt. “Các đồng chí đừng đổ lỗi cho ngành hải quan và công an. Mình phải làm việc của mình cho tốt đi, đừng có nói là mình thực hiện “4 xin, 4 luôn” người ta không thực hiện. Các ngành đó có chức năng, nhiệm vụ riêng của họ, mình sẽ làm việc với họ để làm sao có sự phối hợp cho tốt”- Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
“Hạ tầng chúng ta đã quan tâm đầu tư nhưng rõ ràng chúng ta thấy sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Sự quá tải ở đây không chỉ là quá tải về hạ tầng cảng mà còn có sự quá tải về mặt con người (quá tải về trình độ, yêu cầu về chất lượng trình độ con người chưa đáp ứng). Một số bộ phận người lao động đào tạo chưa đến nơi đến chốn cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ thời gian tới, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ngay trong tháng 11 này, Cục Hàng không phải xây dựng được Quy chế hoạt động chung tại các cảng hàng không giữa các đơn vị trong ngành hàng không với các đơn vị của hải quan, công an. Từng đơn vị trong ngành cũng phải xây dựng được quy chế hoạt động của đơn vị mình trên tinh thần đảm bảo sự phối hợp hiệu quả, tổng chỉ huy là giám đốc các cảng hàng không. “Đây là những việc không mất tiền hoặc mất tiền không nhiều. Minh chứng là cách đây mấy tháng, tình trạng chậm, hủy chuyến rất nhiều nhưng qua 4 tháng vừa qua chúng ta đã cải thiện được nhiều. Hạ tầng vẫn như vậy nhưng chỉ cần thay đổi cung cách quản lý tốt hơn, đầu tư thêm một số trang thiết bị thiết yếu là đã giảm được rất nhiều…” Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, yếu tố con người là quyết định, bao gồm cả năng lực lãnh đạo và năng lực nhân viên. Do vậy, trong thời gian tới, cần rà soát lại tất cả đội ngũ người lao động, đào tạo và sắp xếp lại nếu ai không đáp ứng thì phải loại.
“Tư lệnh của các sân bay phải chịu trách nhiệm toàn bộ và cuối cùng về chất lượng dịch vụ. Còn sau đó quy trách nhiệm cho ai sẽ căn cứ vào quy chế hoạt động của từng đơn vị. Quy ra tiền, quy trách nhiệm cho từng khâu khi để chất lượng dịch vụ kém mới mong cải thiện được dịch vụ” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu các doanh nghiệp ngành hàng không phải đẩy nhanh cổ phần hóa các đơn vị. Lĩnh vực nào chuyển cho các đơn vị tư nhân làm được thì phải chuyển ngay qua hình thức đấu thầu, cung cấp dịch vụ. Chúng ta quản lý nhà nước trên cơ sở xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ hàng không, khi đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu đề ra thì cho phép tham gia.
Bộ trưởng chỉ đạo các hãng taxi của ngành hàng không cần bán hết, không giữ để cho tư nhân tham gia. Nếu còn những đơn vị này thì còn có sự cạnh tranh không lành mạnh …
Theo báo cáo của Cục hàng không Việt Nam, trong gần 4 tháng thực hiện Chỉ thị 15, toàn ngành đã thực sự chuyển biến về nhận thức và hành động. Cụ thể chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không đã chuyển biến rõ rệt, những tồn tại ơt sân bay Cát Bi, Vinh về phương tiện phục vụ mặt đất đã được khắc phục. Các khu vực bị tắc nghẽn cục bộ tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài đã được cải thiện một bước nhờ việc bố trí dải phân cách mềm, hợp tác chặt chẽ giữa hàng không với các đơn vị hải quan, xuất nhâp cảnh, bố trí lại mặt bằng của các đơn vị cung cấp dịch vụ phi hàng không tạo sự thông thoáng phòng chờ, chủng loại mặt hàng đa dạng cơ bản đáp ứng nhu cầu của hành khách, đặc biệt giá cả được niêm yết công khai theo quy định. Về dịch vụ vệ sinh, hiện nhiều cảng hàng không đã thuê các đơn vị chuyên nghiệp bên ngoài ngành vào phục vụ nên chất lượng được cải thiện, giảm thiểu được các yếu tố gây mùi khó chịu… Ngoài ra, các dịch vụ tiện ích khác như wifi, nước uống miễn phí, thu đổi ngoại tệ, cung cấp thông tin đã được thiết lập đầy đủ phong phú hơn…
Cũng theo báo cáo của Cục Hàng không, từ tháng 7 đến tháng 10/2014, sau gần 4 tháng triển khai quyết liệt, các công tác nhằm giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay đã được cải thiện rõ rệt. Hiện tại, theo thống kê, tỷ lệ chậm chuyến của các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn 14% (giảm 2,8 điểm so với cùng kỳ 2013 và giảm tới 6,5 điểm so với 6 tháng đầu năm 2014). Tỷ lệ hủy là 0,7% (giảm 1,8 điểm so với cùng kỳ năm 2013, giảm 2,5 điểm so với 6 tháng đầu năm 2014).
Quang Toàn