Theo ông Nguyễn Văn Huyện, tính đến ngày 31/8, trong tổng số 27 trạm đàm phán ký hợp đồng với nhà đầu tư xây dựng trạm không dừng VETC, đã có 25 trạm hoàn thành ký hợp đồng, còn hai nhà đầu tư sẽ phải hoàn thành hợp đồng trước thời hạn trên.
Trạm thu phí Cao Bồ trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Quyết định số 4390 của Bộ GTVT phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) áp dụng với 27 Trạm thu phí BOT trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và QL1, liên danh TASCO - VETC được Bộ GTVT chỉ định làm nhà đầu tư, với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, theo dạng hợp đồng BOO (Xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Nhà đầu tư này được cho phép thu hồi vốn trong 20 năm (theo dự kiến hợp đồng) theo thời gian thu phí các dự án BOT.
Thời gian qua, tiến độ lắp đặt, đưa vào khai thác các trạm thu phí không dừng này đã lùi tiến độ nhiều lần. Thực tế này cũng là một trong những gây ùn tắc phương tiện qua các trạm, khó minh bạch nguồn phí thu, gây bức xúc dư luận.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các nhà đâu tư giám sát tiến độ từng ngày, từng tuần, để đến ngày 30/9, tất cả các trạm vận hành thương mại, sau một tháng chạy thử, đến ngày 15/10 chính thức đi vào hoạt động.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, các trạm thu phí không dừng thống nhất thời hạn hợp đồng ký 5 năm. Trong hợp đồng sẽ đưa vào điều khoản hợp đồng 6 tháng hay 1 năm để đánh giá việc thực hiện dịch vụ của nhà đầu tư VETC. Khi bắt đầu vận hành, tất cả các dữ liệu sẽ được kết nối về trung tâm giám sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và được giám sát chặt chẽ, cho nên nhà đầu tư không lo thu phí BOT có minh bạch hay không.
“Việc thu phí không dừng sẽ là một trong những căn cứ để người dân tin tưởng vào tính công khai, minh bạch của thu phí BOT”, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.