Tương lai đồng euro vẫn là câu hỏi lớn

Hội nghị thượng đỉnh vừa qua của Liên minh châu Âu (EU) được coi là mang tính quyết định đối với tương lai đồng euro, khi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn là đẩy mạnh hội nhập hay "chia tay nhau". Tuy nhiên, trong cơ hội được cho là cuối cùng này, liệu các nhà lãnh đạo châu Âu đã làm đủ những gì được kỳ vọng để sớm chấm dứt khủng hoảng nợ công, ổn định tình hình tài chính của châu lục cũng như củng cố vị thế của đồng tiền chung?


Tương lai đồng tiền chung châu Âu sẽ thế nào? Ảnh: Internet


Những kết quả của hội nghị



Điều quan trọng nhất là các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã quyết định soạn thảo một hiệp ước tài chính mới nhằm siết chặt kỷ luật về ngân sách, với mục tiêu tránh lặp lại khủng hoảng nợ công và tăng cường sự hội nhập bên trong khu vực. Với hiệp định này, mức thâm hụt cơ cấu hàng năm của các nước sẽ được khống chế ở mức 0,5% GDP và các biện pháp phạt sẽ được áp dụng tự động với những nước có mức thâm hụt ngân sách vượt 3% GDP.
Bên cạnh đó, hội nghị nhất trí về một số biện pháp nhằm thuyết phục thị trường tin rằng họ đủ sức dựng "bức tường lửa" hiệu quả để ngăn chặn khủng hoảng nợ công bùng phát trong toàn khu vực. Để xây dựng một bức tường lửa như vậy, các nhà lãnh đạo dự định đưa ra Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) có quy mô 500 tỷ euro kể từ tháng 7/2012. Bên cạnh đó, các nước thành viên sẽ xem xét và cam kết chuyển các khoản vay song phương trị giá 200 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để thiết chế này có tiền hỗ trợ những nước Eurozone gặp khó khăn về tài chính.

Theo nhận định của giới phân tích, những cơ chế kiểm soát và trừng phạt được đưa ra tại hội nghị là phù hợp để ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng nợ trong tương lai. Hiệp ước mới sẽ tạo tiền đề cho những cải thiện trong vấn đề nợ của các nước Eurozone trong trung hạn. Một số nhà lãnh đạo khu vực hy vọng hiệp ước này có thể thuyết phục Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sử dụng mọi nguồn lực cho cuộc chiến chống khủng hoảng nợ, sau khi Chủ tịch ngân hàng này Mario Draghi tuần trước kêu gọi về một hiệp ước tài chính mới.

Thủ tướng Italia Mario Monti cho rằng những quyết định được đưa ra tại hội nghị là quan trọng, khi sẽ tạo ra nhiều khả năng trong tương lai các nước thành viên Eurozone sẽ hành xử một cách có kỷ luật trong vấn đề ngân sách, tránh để xảy ra tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng như hiện nay. Hội nghị cũng thành công ở chỗ đã đưa ra một loạt công cụ và nguồn tài chính để đối phó với các vấn đề của một quốc gia, tránh làm lây lan nhanh chóng đến nước khác.

Phản biện từ giới phân tích

Theo các nhà phân tích, ý tưởng về việc khống chế thâm hụt cơ cấu hàng năm ở mức trần 0,5% GDP là không khả thi. Do thâm hụt cơ cấu là một khái niệm không thể đo lường chính xác mà chỉ có thể dự tính thông qua các mô hình kinh tế, con số phải được lượng hóa một cách không thể gây tranh cãi. Thêm vào đó, yêu cầu về việc các nước muốn sử dụng công cụ kích cầu tài chính trong các chu kỳ suy thoái trong tương lai phải có thặng dư ngân sách lớn trong suốt chu kỳ trước đó là quá khắc nghiệt và cũng phi thực tế. Do đó, dù điều này có quy định thành luật hay không, các nước cũng khó có thể tuân thủ.
Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi liệu châu Âu sẽ huy động tiền từ đâu cho việc thực hiện các cam kết. Ngay cả với bản thân nước Đức, mức đóng góp của nước này cho các khoản vay dành cho IMF cũng chưa được ấn định. Trong khi đó, Mỹ, nước đóng góp nhiều nhất cho IMF, ngày 9/12 tuyên bố sẽ không góp thêm tiền để giải cứu các quốc gia châu Âu, do cho rằng quỹ này đã được cung cấp đủ tiền và bản thân châu Âu cũng có đủ các nguồn lực tài chính để tự giải quyết các khó khăn của mình.

Hơn nữa, giới phân tích cho rằng quá chú trọng vào những biện pháp mang tính dài hạn, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như đã không chú ý đúng mức tới cuộc khủng hoảng ngay trước mắt. Năng lực cho vay của quỹ cứu trợ EU đã không được xem xét như một vài nước thành viên mong muốn. Một điều nữa dường như gây thất vọng là đề xuất phát hành trái phiếu chung cũng đã bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng đã không đưa ra được câu trả lời về vai trò của ECB trong việc hỗ trợ các nước ngoại vi ở Nam Âu.
Có ý kiến cho rằng những quy định mới sẽ không giúp các nước như Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha giảm nợ ngay, khi chi phí vay mượn của các nước này đã tiến gần đến các mức được coi là "không thể chịu đựng được". Đe dọa hạ xếp hạng tín dụng của Standard & Poor’s đang treo lơ lửng trên đầu 15 nước Eurozone cũng có thể dẫn tới việc chính EFSF cũng bị hạ xếp hạng. Trong khi đó, Moody’s dự định xem xét lại xếp hạng của tất cả 27 nước thành viên EU ngay trong quý I của năm tới. Fitch thì cho rằng sức ép ngắn hạn đối với xếp hạng của các nước Eurozone đang tăng lên.

Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng nợ?

Mặc dù tạm thời dịu bớt nhờ sự viện trợ tích cực của EU và IMF, nhưng cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài tại các nước Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha vẫn chưa được giải quyết về căn bản. Căn nguyên của khủng hoảng nợ ở Eurozone nằm ở chỗ khối này là sự kết hợp của các quốc gia có thực lực kinh tế, trình độ phát triển, tình hình tài chính rất khác nhau. Việc các quốc gia buộc phải áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để đối phó với khủng hoảng nợ lại càng làm cho sự khác biệt này thêm nghiêm trọng. Rõ ràng là trong một thời gian ngắn sẽ không thể thu hẹp được khoảng cách này giữa các nước thành viên.

Đức, Hà Lan và Phần Lan là những nước hiếm hoi tại châu Âu hiểu rằng muốn cứu đồng euro thì không thể chỉ tung tiền ra cứu các nước bị khủng hoảng mà phải có quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực hiện một chính sách kinh tế tốt hơn. Những năm gần đây, việc thắt chặt chi tiêu được đặc biệt chú trọng vì trong nhiều thập kỷ trước, khẩu hiệu của châu Âu là "tìm kiếm sự phát triển bằng mọi giá" đã dẫn tới tình trạng lạm phát và thâm hụt công. Có thể nói những chính sách của ngày hôm nay là hậu quả của những sai lầm trong quá khứ. Giờ đây, châu Âu phải có một tầm nhìn nhằm đạt tới một cách thức cân bằng hơn và phải có những chính sách có thể thúc đẩy tăng trưởng như tăng cường sự hội nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh cho các ngành công nghiệp.

So với các lựa chọn như để Eurozone tan rã hay tiếp tục tung tiền ra cứu các nền kinh tế gặp khó khăn thì đề xuất mà Đức đưa ra có thể coi là khả dĩ nhất. Theo đề xuất này, kỷ luật ngân sách sẽ được thắt chặt trên cơ sở duy trì áp lực “cây gậy và củ cà rốt”. Giải pháp này cũng không thể giải quyết được hết mọi vấn đề và sẽ phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của một số nước. Trong khi đó, các quy định chặt chẽ về ngân sách và nợ công sẽ phản tác dụng nếu nó làm tăng thuế, "bóp chết" tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu không tiến hành cải cách thực sự, nhiều nước Nam Âu sẽ không thể thoát ra khỏi vòng xoáy nợ công.

Lê Minh

Những hậu quả khủng khiếp nếu Khu vực đồng euro tan vỡ
Những hậu quả khủng khiếp nếu Khu vực đồng euro tan vỡ

Tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) mới đây đã đăng bài phân tích của chuyên gia kinh tế kỳ cựu thuộc tập đoàn tài chính Citigroup, Willem Buiter, trong đó cho rằng, sự tan vỡ của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN